Trang

Thứ Sáu, 26 tháng 11, 2010

Tâm Tình Mùa Vọng

I- Mùa Vọng có ý nghĩa gì?
Mùa Vọng dịch từ tiếng La tinh "Adventus", có nghĩa là "đến". Vọng là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Mùa vọng được Giáo Hội ấn định 4 tuần lễ trước lễ Giáng Sinh (25 tháng 12) để các tín hữu Công giáo chuẩn bị Mừng ngày Ngôi Hai Thiên Chúa Giáng trần.
- Mùa Vọng nhắc nhở cho mọi Tín Hữu Công giáo 4 nghĩa sau đây:
1- Mùa Vọng nhớ lại thời gian dân Do thái mong đợi Đấng Messia (Chúa Kitô) đến để "giải phóng" dân Israel khỏi ách tội lỗi. Ngài "đã đến" lần thứ nhất cách đây hơn 2 ngàn năm. Ngài đã giải phóng họ khỏi ách tội lỗi bằng giáo lý và cái chết của Ngài.
2- Mùa Vọng còn có ý nghĩa chuẩn bị đón Chúa Kitô "sẽ đến" lần thứ hai vào ngày tận thế. Không ai biết được ngày giờ nào.
3- Ngày nay, mùa Vọng để dọn lòng mừng kỷ niệm lễ Chúa Giáng sinh vào ngày 25 tháng 12.
4- Điều quang trọng nhất là nhắc nhở mỗi người cần "tỉnh thức, sẵn sàng" đón Chúa đến vào ngày tận thế đời mình (giờ chết), để Chúa đưa mình về Nước Chúa muôn đời.
II- Vòng hoa 4 cây nến, tượng trưng cho điều gì?
- 4 cây nến tượng trưng cho tuần trước lễ Chúa Giáng sinh, mỗi tuần đốt thêm một cây. Ba cây màu tím tượng trưng cho sám hối và một cây màu hồng dùng cho Chúa nhật thứ 3, nói lên niềm vui như Thánh Phaolô kêu gọi: Hãy vui lên... vì Chúa đang đến! Vòng hoa mùa vọng với cành lá xanh tượng trưng cho sự sống muôn đời. Hạt giống, trái hồ đào dùng để trang trí trên vòng hoa tượng trưng cho sự sống lại và những hoa trái tiêu biểu cho lương thực dồi dào của đời sống Kitô hữu. Nến tượng trưng cho ánh sáng Chúa Kitô.
Ý nghĩa của Vòng hoa:


- Kể từ thời xưa cổ, một vòng hoa là tượng trưng cho sự chiến thắng. Hình tròn của vòng hoa là nhắc nhở cho chúng ta biết về tình yêu thương bất tận của Thiên Chúa, dành cho chúng ta.
Màu xanh lá cây chính là màu chỉ năm phụng vụ, vốn diễn tả về niềm hy vọng trong tình yêu thương bất diệt của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Những cành của cây thông quanh năm suốt tháng đều có màu xanh lá cây. Những cành cây lúc nào cũng có màu xanh này cùng gộp lại với nhau để hình thành nên một vòng hoa là nhắc nhớ cho chúng ta biết rằng: Thiên Chúa và sự Mạc Khải của Ngài thì không bao giờ thay đổi, cũng giống như cây thông, lúc nào cũng xanh tươi vậy.
Có 4 cây nến được phân chia ra theo đúng khoảng thời gian của Mùa Vọng. Mỗi cây tượng trưng cho một trong "4,000 năm" mà Thánh Kinh được trao ban cho chúng ta kể từ khoảng thời gian mà Ông Adong qụy ngã vì tội lỗi cho đến khoảng thời gian sinh hạ ra Đấng Cứu Chuộc nhân loại.
Cây nến màu tím đầu tiên được thắp sáng lên vào ngày Chủ Nhật Đầu Tiên của Mùa Vọng và trong suốt tuần lễ đầu tiên đó. Màu tím tượng trưng cho khoảng thời gian chuẩn bị, và ăn năn hối cải, cũng như tượng trưng cho sự vương giả.
Vào Chủ Nhật Thứ Ba của Mùa Vọng, vốn được biết đến như là Chủ Nhật Vui, thì cây nến có màu giống như bông hồng được thắp sáng lên cùng với hai cây nến màu tím. Bông hồng tượng trưng cho sự mừng rỡ, sướng vui và niềm hân hoan sắp tràn dân của mọi người tín hữu. Đây là khoảng thời gian đặc biệt khi chúng ta hồ hỡi với niềm vui và sự rạo rực về việc Chúa Kitô sắp sửa đến với chúng ta trong hình hài của một Hài Nhi Bé Nhỏ.
Và cây nến màu tím cuối cùng sẽ được thắp sáng lên trong ngày Chủ Nhật Thứ Tư của Mùa Vọng ám chỉ đến việc chúng ta mãi sốt sắng và kiên trì hơn rất nhiều trong việc chuẩn bị cả thể xác, tâm hồn lẫn con tim để đón nhận Thiên Chúa trong Mùa Giáng Sinh.
Mùa Vọng chính là mùa của Sự Đợi Chờ cùng với niềm Hy Vọng về Ánh Sáng của Chúa Kitô: Ánh Sáng của Cả Thế Giới !
Nguyện chúc cho mọi gia đình chúng ta có được một Mùa Vọng thánh thiện và hoàn toàn mới mẻ và sinh động hơn so với những Mùa Vọng đã qua!


Thứ Ba, 23 tháng 11, 2010

Khánh Thành Tượng Chúa Kitô Vua

Khoảng chừng vài chục ngàn người hành hương tuôn về thị trấn Świebodzinie, thuộc giáo phận Zielonogórsko-gorzowskiej, miền tây Ba Lan để tham dự lễ thánh thành tượng Chúa Kitô Vua được cho là cao nhất thế giới.


Tượng cao 33m, nhưng tính cả phần bệ cao 16m và vương miện cao 3m, hai sải tay là 25m, chiều cao tổng thể của toàn bộ công trình là 52,50m, nặng khoảng 440 tấn. Với chiều cao trên, tượng Chúa Giêsu tại Świebodzinie  đã vượt mặt bức tượng Chúa nổi tiếng Đức Kitô Cứu Chuộc, cao 30m, vốn là biểu tượng của thành phố Rio de Janeiro, Brazil.


Công trình bắt đầu xây dựng từ ngày 26 tháng 11 năm 2000 và cho đến nay nó đã được hoàn thành. Đây là một niềm tự hào cho người tín hữu Ba Lan.

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

VÀI NÉT VỀ CÁC PHONG TỤC TẬP QUÁN Ở MỘT SỐ NƯỚC CHÂU PHI


Lê Bích Ngọc
Viện Nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông

1. Bắc Phi 





Ở Ai Cập, đám cưới là một công việc mang tính gia đình và là sự kết hợp của hai cuộc đời, hai gia đình. Trong đám cưới, cô dâu luôn đóng vai trò đặc biệt và rất được coi trọng vì cô dâu chính là cây cầu nối giữa tổ tiên với thế hệ tương lai. Sở dĩ cô dâu được coi trọng hơn chú rể còn vì rất có thể sau này cô sẽ sinh ra một đứa trẻ đầy sức mạnh, cây đại thụ của gia đình. Người con gái Ai Cập kết hôn rất sớm, khoảng 12-15 tuổi. Thông thường thì anh em họ lấy nhau. ở thủ đô Cairô, đàn ông đến tuổi lấy vợ sẽ nhờ mẹ và chị em gái giúp đỡ hoặc tìm bà mối se duyên. Khi được người con trai hỏi cưới, người con gái sẽ thuê một người phụ nữ đứng ra thách cưới với nhà trai và thống nhất ngày tổ chức lễ cưới. .Đôi khi ngay sau khi thỏa thuận xong, đôi trai gái lấy nhau luôn mà không cần tổ chức lễ cưới. Còn nếu tổ chức lễ cưới thì vào đêm cuối của ngày được quyết định làm lễ cưới, chú rể và những người bạn sẽ mang một phần lễ thách cưới đến nhà cô dâu và hôn lễ được cử hành. Trong lễ thành hôn của mình, cô dâu và chú rể ngồi đối diện nhau và ngón tay cái bên phải đặt sát nhau, người đọc kinh Coran sẽ dùng chiếc khăn quấn hai ngón tay của cô dâu và chú rể vào với nhau và bắt đầu cầu nguyện cho họ. Tuy nhiên phải một số ngày sau đó chú rể mới đến đón cô dâu về nhà của mình, họ mới bắt đầu sống với nhau, khi đó bạn bè và gia đình mới đến chúc mừng họ.
Ở Môritani, con gái trước khi lấy chồng phải ăn uống tẩm bổ thật nhiều để cơ thể phát triển đến mức cao nhất. Một người phụ nữ to béo, eo to, cổ ngắn, ngực to, vai rộng được xem là một phụ nữ đẹp, quyến rũ. Không cần khuôn mặt xinh đẹp, vóc dáng thon thả mà chỉ cần có các tiêu chuẩn trên thì các cô gái Môritani được xem là những người phụ nữ có vẻ đẹp truyền thống nơi đây. Bất kỳ người đàn ông nào cũng tự hào khi cưới được một người vợ có đầy đủ các tiêu chuẩn này. Thậm chí, nếu cô nào không thể béo lên được là đồng nghĩa với việc cô không lấy được chồng. Vì vậy, những gia đình có con gái thì truớc khi con họ đến tuổi trưởng thành họ phải cho con gái ăn thật nhiều thức ăn được chế biến từ thịt và sữa bò cho tới khi nào thân thể cô gái phát triển rõ rệt có thể lấy chồng được mới thôi. Đám cưới của người Môritani không giống các nơi khác chỉ tổ chức 1-2 ngày, mà ở đây họ tổ chức liên tiếp 7 ngày và ngày nào cũng náo nhiệt, đông vui. Đám cưới chỉ kết thúc khi chú rể đưa cho bố mẹ vợ dây màu có xâu tiền trước mặt mọi người để nhận người thân. Mẹ vợ nhận sợi dây buộc vào cổ chân con gái để nói lên cuộc sống sau này phát đạt, viên mãn. Sợi dây này của người Môritani cũng giống như chiếc nhẫn cầu hôn của người phương Tây. Vì vậy, sau khi đám cưới kết thúc, cô dâu, chú rể vẫn sống riêng, phải đợi tới hai năm sau chú rể cùng bạn bè dắt lạc đà được trang điểm đẹp mắt tới đón, hai người mới chính thức sống bên nhau mãi mãi. Trong thời gian hai năm này, hai người vẫn thỉnh thoảng về ở với nhau. Sau khi cưới, hai người sống chung một tuần rồi ai về nhà nấy. Hai tháng sau họ gặp lại sống chung hai, bốn hoặc sáu ngày rồi lại chia tay. Hai hoặc bốn tháng sau họ lại gặp nhau sống với nhau ít ngày rồi lại thôi. Sở dĩ như vậy vì ở Môritani các cô gái trưởng thành rất sớm, 10 tuổi đã phát triển toàn diện và có thể lấy chồng, nhưng vì tuổi còn nhỏ, có nhiều chuyện cô dâu chưa hiểu nên chỉ sống với chồng vài ngày rồi lại về nhà mẹ đẻ để được mẹ dạy dỗ và hướng dẫn thêm. Cứ như vậy trong suốt hai năm gặp gỡ rồi lại chia tay, sống chung ít sống riêng nhiều, cô dâu đã dần dần trưởng thành và có nhiều kinh nghiệm để tự xử lý những tình huống xảy ra trong cuộc sống. Còn việc tại sao cô dâu, chú rể chỉ chọn các ngày tháng chẵn để gặp và sống với nhau là vì người dân Môritani rất tin vào những con số chẵn, họ cho rằng các số chẵn thể hiện sự may mắn, tốt lành, nên làm bất kỳ công việc gì họ cũng nhất nhất chọn những ngày mang số chẵn.
Tại vùng Tualaji của xứ sở Libi có một phong tục rất lạ. Phong tục này được lưu giữ từ thời xã hội mẫu hệ và cũng ít nhiều liên quan tới hôn nhân. Đó chính là phong tục đàn ông che mạng. Che mạng là một nét văn hoá của người châu Phi, nhưng từ trước tới nay hầu như chỉ có người phụ nữ phải che mạng cho kín đáo để không bị người ngoài nhìn thấy. Còn ở Tualaji, những người đàn ông nào được coi là công dân tự do mới được che mạng. Đàn ông ở khu vực khác khi kết hôn với cô gái ở Tualaji phải ở rể và khi chuyển đến ở nhà vợ sẽ phải mang mạng che mặt. Có một điều đặc biệt mang dấu ấn mẫu hệ ở đây là đàn ông dù là công dân tự do nhưng lấy vợ nô lệ thì con cái sinh ra không đựoc coi là công dân tự do và không được phép che mạng. Còn phụ nữ có quyền tự do dù lấy chồng nô lệ nhưng khi sinh con thì con cái của họ vẫn được coi là công dân tự do và có quyền che mạng.


2. Đông Phi




Ở bộ tộc người Swahili tại Kênia, trước hôn lễ, cô dâu được tắm trong dầu và gỗ đàn hương rồi dùng nhựa cây lá móng (một loại cây có thể chế biến thuốc nhuộm tóc) trát lên chân và tay.

Người Swahili cho rằng làm như vậy sẽ xua đuổi được tà ma vất vưởng bên ngoài và ngăn không cho ma nhà cô gái đi theo. Sau khi tắm gội xong, một người phụ nữ lớn tuổi trong bộ lạc sẽ chỉ cho cô dâu cách làm vui lòng đấng phu quân của mình, thậm chí cả mánh khóe che dấu sự không còn trong trắng của mình trong đêm tân hôn và dạy cô dâu cách sống, cách đối nhân xử thế với những người trong gia đình nhà chồng.

Đối với bộ tộc người Masai, hôn nhân thường được sắp đặt trước và cô dâu phải cưới người đàn ông lớn tuổi hơn mình mà chưa bao giờ biết mặt. Gia đình cô gái sẽ chọn những người đàn ông phù hợp trong bộ tộc và đặt vấn đề. Nếu người đàn ông đồng ý cưới cô gái cùng với những sính lễ nhà gái yêu cầu thì hôn lễ sẽ được tổ chức ngay sau đó. Khi cô dâu chuẩn bị theo chú rể về nhà, bố cô dâu sẽ đặt tay lên đầu và ngực cô dâu để cầu chúc cho đôi vợ chồng trẻ hạnh phúc. Khi ra khỏi nhà, cô dâu không được phép quay đầu lại bởi theo thần thoại cô dâu sẽ bị hóa đá. Khi cô dâu đến cổng nhà chú rể, một người phụ nữ bên gia đình chồng đứng chờ sẵn ở cửa để mắng chửi cô dâu. Đây chính là một nghi lễ xua điềm xấu.

Tại vùng biển phía đông Kênia vẫn còn lưu hành tập tục hôn nhân đến ở rể nhà gái. Vì vậy, thay vì đón dâu như các khu vực khác thì ở đây mọi người tổ chức nghi lễ đón rể ở nhà gái và lễ tiễn chú rể ở nhà trai. Nghi lễ tiễn chú rể được tổ chức vào buổi tối. Khi tiếng trống, tiếng hát vang lên đoàn người vây quanh chú rể đưa đến nhà gái. Dẫn đầu sẽ là hai cô gái tay bê mâm cau trầu, mặc áo dài thật đẹp và sặc sỡ như hai con bươm bướm dẫn đường, cuối đoàn là cha mẹ chú rể. Đến cổng nhà gái, cha mẹ cô dâu bước ra nhận lễ và mời chú rể vào nhà. Khi chú rể bước vào phòng, việc đầu tiên là tìm cô dâu ngồi lẫn cùng bạn bè sau tấm rèm. Vì không nhìn thấy mặt cô dâu cho nên có khi chú rể nhận nhầm mấy lần khiến mọi người cười lên vui vẻ; chỉ khi thấy chú rể lo lắng và trở nên luống cuống một cô bạn sẽ giật dây bắc cầu tác thành cho hai người. Khi hai người nắm được tay nhau tấm rèm mới được kéo ra và khi ấy chú rể mới chính thức được xem là đã được đưa đến nhà.

Văn hóa ẩm thực của người Êthiôpia rất đặc biệt. Vì đa số đều coi Cơ đốc giáo là quốc giáo nên số ngày ăn chay chiếm số lượng đáng kể. Trước lễ phục sinh 40 ngày (thời kỳ đại trai), người dân ở đây mới có thể ăn thịt và các đồ tanh. Đây là khoảng thời gian tuyệt vời đối với những người nghiền ăn món thịt bò, đặc biệt là thịt bò sống. Đối với những người ở đây, thịt bò ngon phải là loại thịt mềm còn nóng hổi từ những con bò vừa bị giết. Có hai cách để ăn món thịt bò sống này. Cách thứ nhất là thái thịt còn đang dính máu tươi thành những miếng vuông, dùng dao nhỏ cắt lát thành miếng mỏng rồi trộn với bột ớt, để một lúc cho ngấm rồi ăn. Cách thứ hai là băm nát thịt tươi trộn thêm gia vị ăn kèm với bánh Inkila. Trong bữa ăn gia đình, người Êthiôpia không dùng bàn ghế mà dùng một cái sọt đan bằng sậy, bên trên đậy cái nắp phẳng giống như một cây nấm lớn. Trên nắp sọt bày bánh Inkila, đĩa thịt sống, bột ớt, tương ớt. Thông thường, họ ăn thịt bò trước rồi ăn bánh có phết tương ớt sau. Khi ăn, nếu ai để rớt tương ớt ra sọt hoặc xuống đất sẽ bị coi là hành vi thiếu lịch sự. Dùng thịt bò sống đãi khách là một trong những lễ nghi truyền thống của người Êthiôpia. Khi vào bữa ăn, nữ chủ nhân đưa đến trước mặt khách một đĩa đựng đầy thịt sống rồi gắp từng miếng đút cho khách. Khách chưa nuốt trôi miếng này chủ đã gắp miếng khác cho đến khi nữ chủ nhân cảm thấy đã bầy tỏ hết lòng hiếu khách mới thôi. Cách tiếp đãi thịnh tình này khiến khách không thể từ chối, bởi nếu không ăn khách sẽ bị coi là mất lịch sự với chủ nhân.


3. Tây Phi




Tại đất nước Nigiêria xinh đẹp, trước hôn lễ cả nhà trai và nhà gái sẽ tổ chức một bữa tiệc lớn. Trong bữa tiệc này, hai nhà làm quen với nhau và nhà trai tặng quà cho nhà gái. Sau bữa tiệc, cô dâu sẽ về sống với gia đình chồng. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì hôn lễ mới được tổ chức. ở một số bộ lạc của Nigiêria, người chồng không được phép gọi tên thật của vợ mình mà phải gọi bằng tên của bố vợ, ngoại trừ họ hàng và mẹ của hai người. Trước đám cưới, những người trong làng tập trung lại với nhau và hát mừng cô dâu chính thức đi lấy chồng. Cô dâu được đưa vào trong một túp lều nhỏ và ở trong đó cho đến khi chú rể vào và đám cưới kết thúc. Trước khi chú rể bước vào trong lều, chú rể còn phải làm một nhiệm vụ quan trọng: tặng quà cho hết lượt khách còn ở lại. Ngày hôm sau, trước khi đôi vợ chồng thức dậy và bước ra khỏi lều, người dân trong bộ tộc giết một con dê và lấy máu của nó tưới lên ngưỡng cửa của đôi vợ chồng trẻ. Mẹ cô dâu sẽ hỏi cô dâu có hài lòng với người chồng của mình không, sau đó mọi người ca hát, nhảy múa chúc mừng cho hai gia đình. Ai muốn xem mặt cô dâu phải trả một xu và muốn động vào cô dâu bằng một chiếc que đặc biệt phải trả thêm một xu nữa. Người ta cho rằng đây là dấu hiệu của may mắn.

Ở bộ tộc người Wodaabe của Nigiêria, khi đi hỏi vợ là những cô gái trong bộ tộc, tất cả anh em họ chưa có vợ sẽ đeo những chiếc bùa mà họ coi là có thể tăng sức hấp dẫn nhất và cùng đi hỏi cô gái. Đôi khi, những người anh em họ cùng được một cô gái để ý tới. Song khi cô dâu chọn được chú rể của mình rồi, những người anh em họ không được chọn vẫn được mời tới nhà chơi và nếu như cô dâu đồng ý, họ sẽ lên giường với nhau. Theo cách nghĩ của người Wodaabe, việc cô dâu ngủ cùng với những người anh em họ không có gì xấu và đáng chê trách bởi họ có cùng chung dòng máu với chú rể. Khi cô dâu không đồng ý thì những người anh em họ cũng vui vẻ ra về và tình cảm gia đình không hề rạn nứt.

Cách sống trọng tình nghĩa của người Mali còn được thể hiện qua phong tục ma chay của bộ tộc Dogon. Khi trong bộ tộc có người chết, các thành viên trong bộ tộc quấn thi thể bằng nhiều lớp vải rồi cột vào dây thừng, sau đó kéo lên vách núi cao hơn 90m để đến hang chôn tập thể. Người Dogon cho rằng khi thân thể người chết ở trên cao họ dễ dàng được siêu thoát hơn. ở trong hang chôn tập thể, linh hồn người mới chết sẽ được các linh hồn cũ dạy cho cách sống ở thế giới bên kia và linh hồn người mới chết sẽ không thấy cô đơn vì được sống cùng những linh hồn của những người trong bộ tộc đã mất trước đó. Cứ 12 năm một lần, người dân Dogon lại tổ chức lễ hội Dama kéo dài 6 tuần lễ để đưa những vong hồn còn lưu lại trong hang và vất vưởng quanh làng trở về thế giới bên kia.

Tại Ghana, nơi có bộ tộc Ashati – là bộ tộc lớn nhất và mạnh nhất được hình thành như một vương quốc thống trị tại nước này cách đây 300 năm vẫn duy trì ngôi vua. Cứ mỗi mười năm lại tổ chức một lễ hội linh đình để tái khẳng định sức mạnh của bộ tộc mình. Trong lễ hội này, vua Ashati đeo vàng đầy người, chỉ riêng hai cánh tay cũng phải cần bọn tùy tùng nâng hộ bởi cánh tay nặng trĩu toàn vàng… Khi vua đi diễu hành quanh bộ tộc, các thần dân tung hoa lên khắp các đường rước nhà vua đi. Ghana không chỉ đặc biệt ở lễ hội này mà ở đây còn một phong tục rất kỳ lạ: tục Trokosi (nô lệ tế thần) – đây là một phong tục có từ lâu đời: dâng nộp gái trinh đẹp phục vụ cho tù trưởng hoặc giáo sĩ. Phong tục này được đặt ra gần như là để xử phạt những gia đình phạm phải các tội như: trộm cắp, ngộ sát… Khi cống nạp thể xác một cô gái trinh nguyên trong gia đình cho thần linh, người tin rằng tội lỗi gây ra sẽ được gột rửa, thoát khỏi sự trừng phạt của những lời nguyền bí hiểm. ở từng nơi, phong tục này có những nét khác biệt riêng, nhưng các Trokosi ở đâu cũng phải chịu nỗi thống khổ như nhau. Có những gia đình không có con gái lớn phải dâng các bé gái chỉ mới một, hai tuổi. Các Trokosi già sẽ phải nuôi các bé này lớn lên và đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên thì thực sự trở thành nô lệ tế thần đúng nghĩa với buổi lễ công nhận chính thức rồi sau đó – như tập tục lâu đời, vị giáo sĩ (được xem là hiện thân của thần) bắt đầu có quyền ăn nằm với nạn nhân bất cứ lúc nào ông ta muốn. Tại ngôi đền của giáo sĩ, các Trokosi - thậm chí lúc mang thai - vẫn làm lụng nặng nhọc, nai lưng làm lụng dưới cái nắng khủng khiếp trên các nương rẫy. Tuy làm lụng vất vả nhưng những cô gái này không được hưởng chút thành quả lao động nào. Thức ăn cô ăn hàng ngày và để nuôi con đều do gia đình cô chu cấp, dù đứa trẻ chính là con của giáo sĩ. Cay đắng hơn, khi Trokosi chết, gia đình cô phải tự lo ma chay chôn cất và trong nhiều trường hợp còn phải dâng nộp một gái trinh khác trong gia đình mình để thay thế cho Trokosi vừa chết. Đó là trường hợp các Trokosi được dâng nạp chưa kịp “phục vụ” giáo sĩ hoặc thời gian cô làm việc cho đền thờ chưa được một năm… Hiện nay trong một số ngôi đền ở Ghana, vài phụ nữ tế thần đã là thế hệ Trokosi thứ năm, họ vẫn câm lặng làm việc và cống nạp thân xác để trả giá cho một sai lầm hay tội lỗi gì đó mà gia đình đã phải chịu, dù lỗi lầm đó đã trải qua hàng chục năm thậm chí hàng trăm năm. Nếu Trokosi nào không chịu nỗi những cay đắng tủi nhục bỏ chốn mà bị bắt lại đều phải hứng chịu những trận đòn kinh hoàng và những ngày sau đó còn hơn sống trong địa ngục. Hiện nay ở một vài nơi tại Ghana, phong tục Trokosi đang bị phản ánh gay gắt. Những chiến dịch chống đối và nhiều trường học dành cho Trokosi được lập ra. Nhưng dù thế nào thì trên khuôn mặt của những cô gái nô lệ của thần linh đã hằn sâu sự bi ai và thống khổ tột cùng mà không liệu pháp tinh thần nào có thể xóa bỏ được. Theo thống kê, chỉ riêng ở 12 ngôi đền thuộc Ghana và Tôgô đã có tới 10.000 cô gái nô lệ của thần linh.

Ở châu Phi nói chung và Tây Phi nói riêng, phụ nữ luôn phải chịu những hủ tục nặng nề. Trong khi ở Ghana và một số nơi khác, tục Trokosi chưa bị xóa sạch, thì ở Xiêra Lêôn phụ nữ lại chịu tập tục tefoos (cắt bỏ âm vật). Tập tục này đã bám rễ rất lâu đời ở nhiều nước châu Phi, đặc biệt là ở Xiêra Lêôn. ở đất nước này còn thành lập hẳn hội Bundo – một tổ chức chiếm tới 90% phụ nữ ở đây. Bundo cương quyết chống lại một số ít phụ nữ có học dám chứng minh rằng tefoos đem lại nhiều bệnh tật cho phụ nữ: nhiễm trùng máu, uốn ván, hoại thư, tiêu khó, nhiễm trùng kinh niên bộ phận sinh dục ngoài, đau nhức xương chậu, mất chức năng sinh hoạt tình dục và đau đớn khi sinh… Đối với các thành viên Bundo, trẻ em gái phải thực hiện tefoos, nếu không họ chỉ là những người thuộc loại Ogborraka – bẩn thỉu và chẳng xứng đáng là con cháu của thần linh. Theo ghi nhận của Tổ chức Y tế Thế giới, hiện có khoảng 130 triệu phụ nữ ở ít nhất 22 nước châu Phi bị cắt âm vật và mỗi năm chừng 2 triệu trẻ gái phải chịu hình thức “phẫu thuật dã man này”. Tổ chức Y tế Thế giới đã chính thức xem tefoos là hành động phi nhân quyền. Tuy nhiên cho đến nay, ở Bundo thuộc Xiêra Lêôn và nhiều tổ chức khác tại châu Phi vẫn chống đối quyết liệt trước sự can thiệp nhằm xóa bỏ tập tục tefoos do phương Tây đã và đang khởi xướng mạnh mẽ từ đầu thập niên 1990.


4. Trung Phi




       Khác với Côngô, đám tang ở Camơrun được xem như một dịp để tổ chức lễ lạt. Lễ chôn cất được tiến hành vào buổi sáng, đó là một sự kiện long trọng được tiến hành để thể hiện sự kính trọng đối với người đã khuất. Buổi chiều thường được dành để cho bà con thân thuộc của người chết tụ họp với nhau. Các thành viên trong gia đình tụ họp mỗi người mang theo một ít rượu dừa hòa lẫn chung với nhau trong một bình mimbo lớn. Sau đó, những người tham dự cùng nhau uống thứ rượu được hòa chung đó như một cách biểu hiện sự đồng lòng của họ, vừa để tỏ lòng kính trọng người chết, vừa để xác định cùng nhau rằng cuộc sống vẫn đang tiếp tục. Theo tín ngưỡng truyền thống châu Phi, thứ tín ngưỡng có ảnh hưởng và thậm chí còn làm cơ sở cho Thiên chúa giáo trên lục địa này, thì giữa người chết và người còn sống vẫn còn có mối quan hệ chặt chẽ. Đám tang không được coi là điểm đến cuối cùng của một đời người. Điều đó giúp giải thích không khí lễ hội đặc trưng cho các hoạt động vào buổi chiều tối hôm tang lễ. Nếu người chết có một người họ hàng hay bạn bè có chân trong một ban nhạc thì đám tang nhất định sẽ trở nên sống động hơn nhiều với màn trình diễn của ban nhạc đó. Một đám tang được tổ chức chu đáo có thể kéo dài từ một đến ba ngày, và các điệu nhảy thường diễn ra suốt đêm.
      Ở Camơrun, người ta khó có thể tìm được một lễ hội nào tổ chức giống như lễ hội Giáng sinh, lễ Tạ ơn hay tết năm mới như ở các nước phương tây, Bắc Mỹ hay Trung Quốc. Mà ở đây có rất nhiều những lễ hội địa phương đa dạng lạ lùng dành cho vô số dịp hội hè, những giai đoạn quan trọng trong đời người. Chẳng hạn như để tưởng nhớ một vị tù trưởng vừa mới mất và vinh danh sự lên ngôi của vị tù trưởng mới thì ở miền Tây Camơrun có lễ hội tháng Tư. Trong lễ hội đó, một nghi lễ truyền thống là vị tù trưởng địa phương biến mất trong một cái hang và chỉ xuất hiện sau đó, khi một đám rước long trọng tiến đến nơi miệng hang để đón ông ta. Vị thầy bói trong làng đánh dấu lên trán những người tham gia lễ hội bằng một than củi trộn với nước, còn phụ nữ thì được một lá bùa giúp cho sinh được nhiều con hơn. Cũng trong tháng tư này, lễ hội hoàn tất việc thu hoạch được tổ chức. Lễ hội này được tổ chức để cầu cho mùa màng tươi tốt và phụ nữ sinh nhiều con cái. Ngày xưa trong lễ hội này, ta thường hiến tế dê. Các cộng đồng khác nhau có những nghi lễ theo tập quán khác nhau để đánh dấu những mùa vụ quan trọng trong đời sống nông nghiệp của mình. Một số tộc người đặt một chiếc bình đặc biệt để hở miệng ra ngoài trời nơi cánh đồng nhà mình. Những lễ vật nho nhỏ được dâng cúng để tỏ lòng kính trọng với vị thần của cánh đồng. Trước thời gian thu hoạch, để giữ cho muông thú và chim chóc khỏi phá hoại mùa màng, người ta cũng tổ chức nhiều lễ hội có trẻ em tham gia, chúng đeo những chiếc mặt nạ vẽ và trình diễn những điệu nhảy trên cánh đồng.

Vào tháng 12 hàng năm ở miền Tây Camơrun, người Bali còn tổ chức lễ hội Lêla. Lễ hội này tổ chức trong bốn ngày. Cũng như các lễ hội địa phương khác, lễ hội này là một sự kiện rất quan trọng đối với các thành viên trong cộng đồng người Bali. Vào những ngày này, những người nào sống và làm việc xa gia đình đều tìm cách trở về nhà tham gia lễ hội. Đó cũng là thời gian để gia đình đoàn tụ và gặp gỡ bạn bè nhằm thắt chặt thêm tình bằng hữu. Vị tù trưởng là trung tâm của sự chú ý trong suốt những ngày lễ hội. Trong ngày đầu tiên, ông ta cưỡi lên lưng ngựa đi đến con sông gần làng để hiến tế một con gà, dân làng đi theo ông ta. Nếu tất cả mọi chuyện đều tốt đẹp thì các vị thầy bói sẽ khẳng định lại rằng các thần linh đã hài lòng và lễ hội có thể bắt đầu. Những ngày tiếp theo sẽ tràn đầy các màn nhảy múa, tiệc tùng và các cuộc thi bắn súng. Trong các ngày lễ hội này mọi người đều mặc những bộ quần áo đẹp nhất của mình.

Tại vùng cao nguyên phía tây hay còn gọi là miền đồng cỏ có hai tộc người Bamileke và người Tikar sinh sống. Hai tộc người này có nghệ thuật chạm khắc rất tinh tế. Họ chạm khắc những mặt nạ và hình người bằng gỗ và ngà voi. Những môtip chạm khắc phổ biến là hình đầu người, thường có dạng to bẹt, miệng há rộng và hình những con thú như: voi, cá sấu báo và rùa. Nhện, một sinh vật quan trọng trong phép bói toán, cũng là một trong những môtip hay được sử dụng. Những hình tượng chạm khắc rất cầu kỳ thường để trang trí cho các cây cột trong ngôi nhà truyền thống. Các cây cột được bố trí dàn ra hai bên lối vào ngôi nhà. Những đồ vật gia dụng khác như giường và chân giường, các chiếc cốc bằng sừng để uống rượu… cũng được chạm khắc rất tinh xảo. Các vị tù trưởng thường sở hữu những chiếc ngai và ghế chạm khắc rất cầu kỳ.

Trong nền văn hóa truyền thống của người Bamileke, chỉ có tù trưởng và những nhân vật có địa vị cao mới được phép đeo mặt nạ hình đầu voi trong các lễ hội và các dịp thờ cúng. Con voi được coi là một trong những con thú hùng mạnh nhất của vùng đất này, là biểu tượng cho địa vị và của cải của các tù trưởng địa phương và các ông vua. Trong một vài truyền thuyết, vị tù trưởng có một quyền năng thần kỳ: có thể biến thành voi. Đi kèm với chiếc mặt nạ là một bộ trang phục cầu kỳ, được trang trí cho mọi người ai cũng phải chú ý đến địa vị của người mặc nó. Ngoài ra, còn có các chuỗi hạt thủy tinh, một thứ tài sản được lưu truyền lại từ thời buôn bán nô lệ khi chúng đóng vai trò như một thứ tiền tệ.

Tại miền bắc Camơrun, hàng năm vẫn tổ chức lễ hội hóa trang. Hội hóa trang này cũng có thể tổ chức nhân những sự kiện đặc biệt như chào đón cuộc viếng thăm của một nhân vật đặc biệt nào đó. Những hình ảnh về lễ hội hóa trang được trình bầy trên các tờ quảng cáo du lịch có thể khiến người ta có ấn tượng đó là một cuộc đua ngựa, nhưng đó không phải là một cuộc tranh tài. Hàng trăm con ngựa có thể tham gia lễ hội cùng với các kỵ mã, chúng được mặc những bộ trang phục lóng lánh, sặc sỡ. Đây là một lễ hội công cộng và là một dịp để nhảy múa, chơi nhạc.

  
5. Nam Phi




         Ở Namibia, trước khi lễ cưới diễn ra, chú rể người Himba và một số người thuộc nhà chồng sẽ bắt cóc cô dâu và diện cho cô ta bộ áo cưới bằng da. Khi cô dâu đến nhà mới của chú rể, họ hàng anh ta chỉ cho cô ta biết trách nhiệm làm vợ và bày tỏ sự chấp thuận gia đình bằng việc bôi lên người cô dâu loại sữa bò béo. Còn đối với người Ndebele, đám cưới phải trải qua ba bước. Bước cuối cùng có thể mất nhiều năm. Bước đầu tiên là đàm phán về thách cưới với gia đình nhà gái và khoản thách cưới đó được trả dần bằng tiền và gia súc. Bước thứ hai, cô dâu được cho ra ở riêng hai tuần, trong thời gian đó một người phụ nữ khác sẽ chỉ cho cô dâu cách làm một người vợ tốt. Bước thứ ba, lễ cưới chỉ được tiến hành khi cô dâu sinh được con đầu lòng. Tại cộng hòa Nam Phi, người dân rất hãnh diện với những lễ hội của mình và họ rất háo hức tham gia vào những sự kiện đặc biệt này. Một trong những sự kiện văn hóa quan trọng nhất của Nam Phi là liên hoan nghệ thuật Grahamstow, được tổ chức hàng năm vào tháng Bảy và kéo dài trong khoảng hai tuần lễ. Festival này nổi bật ở chỗ nó có đủ tất cả loại hình nghệ thuật biểu diễn, từ những vở kịch chống chế độ Apartheid đến kịch Shakespeare, múa bale, kịch câm, tạp kỹ và múa. Các bộ phim nước ngoài cũng được trình chiếu trong khi những nghệ sĩ địa phương trưng bầy các tác phẩm của họ. Du khách và dân địa phương đắm mình trong bầu không khí sáng tạo nghệ thuật bao trùm thành phố. Những màn biễu diễn ấn tượng nhất thường được tổ chức bên ngoài các địa điểm chính của festival, nơi các nghệ sĩ nghiệp dư biểu diễn với giá vé vào xem rất rẻ. Nhiều nghệ sĩ, tác giả và nhạc sĩ nổi tiếng nhất Nam Phi đã khởi đầu sự nghiệp lẫy lừng của họ từ festival Grahamstown. Vẻ độc đáo của thành phố cũng đóng góp vào thành công to lớn của ngày hội. Tiền thu được ở lễ hội dành để tài trợ cho giới nghệ sĩ, và hàng năm nhiều giải thưởng đã được trao trong các lĩnh vực điêu khắc, opera, âm nhạc và balê. Nhưng điều quan trọng hơn cả là festival này được mọi người đến với nhau trong không khí ngày hội, không phân biệt màu da, sắc tộc. ở Nam Phi, tết năm mới cũng được tổ chức linh đình như ở nhiều nước khác. Lễ lạt diễn ra ngoài trời, có picnic, tiệc ngoài trời và bơi lội. Bãi biển luôn đông nghẹt người. Tết năm mới ở Nam Phi rơi vào mùa hè, trong khi những nước thuộc Bắc bán cầu là mùa đông. ở Cape Town, người Nam Phi đón mừng ngày tết Tweedenuwejaar (năm mới lần hai) vào ngày mùng một và mùng hai tháng giêng. Ngày tết này ra đời từ lễ hội Carnival Coon hàng năm do nhóm Capecoons đứng ra tổ chức và biểu diễn. Các nghề sĩ này vẽ mặt mày, đội nón và mặc trang phục nhiều màu sắc. Các nghệ sĩ dẫn đầu một đám rước đường phố vui nhộn, vừa đi vừa nhảy múa và hát những bài ca ứng khẩu. ở Nam Phi, lễ Giáng sinh và Phục sinh là những ngày lễ chính thức và mọi người được đều được nghỉ làm. Lễ Giáng sinh được tổ chức tương tự như ở các nước khác, chỉ có điều Noel lại rơi vào mùa hè, vì thế nhiều người ở đây đã chọn cách dọn một bữa tiệc ngoài trời thay vì một bữa ăn truyền thống trong nhà. Một số gia đình đi lễ nhà thờ, còn người dân thì mua những đồ ăn xa xỉ tùy theo túi tiền của mình, một cây thông Noel và quà Giáng sinh cho gia đình và bạn bè. Đa số tín đồ Kitô giáo đi nhà thờ vào ngày chủ nhật phục sinh để tỏ lòng kính chúa Jesus phục sinh. Những quả trứng phục sinh làm bằng chocolate được đem giấu cho trẻ con đi tìm, những chiếc bánh ngọt có hình cây thánh giá được đem ra ăn vào ngày chủ nhật Phục sinh. Thành phố Roodepoort tự hào là nơi tổ chức cuộc thi quốc tế Roodepoort Eisteddfot. Được tổ chức hai năm một lần vào tháng mười, Roodepoort Eisteddfot là cuộc thi tài âm nhạc quốc tế lớn nhất ở Nam Bán cầu. Khoảng 8000 người từ hơn 60 quốc gia đến tranh tài trong ngày hội văn hóa này. Tiết mục dự thi gồm những thể loại như đồng ca, thanh nhạc, nhạc cụ, hát múa nhạc dân gian, ban nhạc, dàn nhạc giao hưởng và các bản nhạc mới sáng tác. Lễ hội này thu hút người dân khắp nơi trên đất nước Nam Phi, vì cuộc thi luôn có sự tham gia của những tài năng âm nhạc xuất sắc từ các địa phương trong nước. Du khách từ các nơi trên thế giới cũng đổ về Nam Phi chỉ để được tham dự festival Roodepoort Eisteddfot. Điểm thu hút chính của cuộc thi luôn là những ca đoàn của nhà thờ của người da màu và da đen với những giai điệu độc đáo và những chất giọng tuyệt vời. Ngày hội Majuba thường được tổ chức vào ngày 27 tháng Hai. Lễ hội này là để kỷ niệm ngày người Anh bại trận dưới tay người Boer tại Majuba Hill, một ngọn núi nằm trên đường biên ngăn cách hai vùng Natal và Transvaal. Một liên hoan Concerto hàng năm dành cho những nhạc sĩ trẻ biểu diễn nhạc cổ điển. Ngoài ra, còn có liên hoan các dàn đồng ca thanh niên Afrikaner hàng năm. Festival âm nhạc Tretoria do hội nhạc sĩ Nam Phi tổ chức, cũng là một liên hoan âm nhạc nội tiếng. Cộng đồng người gốc á cũng có nhiều lễ hội tôn giáo và thế tục truyền thống. Người Hindu ấn Độ kỷ niêm lễ hội Deepavali (ánh sáng) vào tháng mười hay tháng mười một để mở đầu năm mới truyền thống của mình. Người Cape Malay và người theo đạo Hồi tuân thủ nghi thức ăn chay hàng ngày trong tháng Chay Ramadan thiêng liêng. Mùa chay kết thúc vào tháng Ramadan với một lễ hội tưng bừng, thực khách thoải mái thưởng thức những món ăn truyền thống, như bánh gối, cari, bánh rán chilibite. Trong tháng chay linh thiêng, tín đồ Hồi giáo đi lễ ở các thánh đường với trang phục lễ hội.

Nguồn: http://www.tinmoi.vn

Thứ Năm, 11 tháng 11, 2010

ƠN GỌI CỦA TÔI

Khi tôi mới là học sinh trung học, Tổng Giám mục giáo phận Kraków, Đức cha Adam Stefan Sapieha đến thăm giáo xứ Wadowice của chúng tôi. Linh mục dạy giáo lý, Cha Edward Zacher đã chọn tôi đọc diễn văn chúc mừng Đức Tổng Giám mục. Đó là lần đầu tiên tôi có cơ hội hiện diện trước mặt một nhân vật được mọi người kính trọng. Tôi cũng được biết; sau bài diễn từ, Đức Tổng Giám mục hỏi cha dạy giáo lý của tôi rằng: cậu học sinh này sẽ theo học gì, sau khi tốt nghiệp trung học. Cha Zacher trả lời: "Cậu ấy sẽ học ngôn ngữ và văn chương Ba Lan." Đức Tổng Giám mục hình như nói thêm: "Thật đáng tiếc, đó không phải là môn thần học."




          Trong thời kỳ đó, ơn gọi làm linh mục của tôi chưa chín mùi, dầu cho nhiều người chung quanh nghĩ tôi nên vào chủng viện. Có lẽ một số người trong họ suy nghĩ, nếu một người trẻ với đầy khuynh hướng tôn giáo rõ ràng như thế mà không vào chủng viện, chắc hẳn đó là dấu hiệu cậu theo đuổi những tình yêu hoặc những sở thích nào khác. Thật vậy, tôi quen biết nhiều bạn gái cùng trường và khi tôi tham gia vào câu lạc bộ kịch nghệ, tôi đã có nhiều cơ hội kết thân với những người trẻ khác. Nhưng đó không phải là vấn đề nói ở đây. Vào thời gian đó, tôi hoàn toàn say mê văn chương, nhất là ngành bi kịch và kịch nghệ. Tôi đã được giới thiệu vào kịch trường nhờ Mieczysław Kotlarczyk, một giáo sư dạy tiếng Ba Lan lớn hơn tôi mấy tuổi. Ông thực là một người tiên phong trong bộ môn kịch nghệ tài tử và đã nuôi nhiều tham vọng dàn dựng một ban kịch giá trị.




          Nhưng bây giờ, chúng ta trở lại với ngày mồng 1 tháng 9 năm 1939. Thế chiến bùng nổ đã thay đổi tận gốc dòng đời của tôi. (…) công việc giảng dạy chỉ kéo dài tới ngày mồng 6 tháng 11 năm 1939. Vào ngày đó, chính quyền Đức Quốc Xã đã tập trung tất cả các giáo sư trong phòng họp và kết thúc bằng việc đầy ải các học giả nổi tiếng vào trại tập trung Sachsenhausen. Vào giai đoạn này tôi dốc toàn lực theo đuổi ngôn ngữ học và văn chương Ba Lan. (…) Mùa thu năm 1940 tôi bắt đầu làm công nhân tại mỏ đá thuộc xưởng hóa chất ở Solvay. (…) Quản lý của mỏ đá là những người Ba Lan, họ tìm cách miễn cho bọn sinh viên như tôi khỏi những lao động cực nhọc. Trường hợp của tôi, họ cho tôi làm phụ tá cho nhân viên nổ mìn đá: tên ông là Fraciszek Łabuś. Tôi muốn nhắc đến ông vì có lần ông nói với tôi: "Karol ơi, các anh nên làm linh mục. Các anh có giọng hát thật hay, và các anh sẽ làm được điều đó tốt đẹp…Ông nói điều đó với tất cả đơn sơ tâm thành (…)”.


          Trong thời gian đó tôi vẫn giữ liên lạc với ban kịch thơ do Mieczysław Kotlarczyk đã thành lập và tiếp tục điều khiển trong bí mật. Ban đầu khi dấn thân vào kịch trường tôi được Kotlarczyk và vợ ông là Sofia giúp đỡ qua việc họ ở trọ trong nhà tôi. Họ đã tìm cách di động từ Wadowice tới Kraków nằm trong lãnh thổ của viên „Tướng Cầm quyền”. Chúng tôi cùng chung sống trong một nhà. Tôi làm việc như một nhân công. Lúc đầu ông lái xe điện và sau đó làm nhân viên văn phòng. Cùng ở chung một nhà, không những chúng tôi tiếp tục đàm đạo với nhau về kịch nghệ, nhưng cũng tìm cách diễn xuất thực sự một đồi lần. Đúng đây là hình thức một ban kịch thơ. Thật giản dị vô cùng. Phong cảnh và trang hoàng giảm thiểu tối đa, tất cả cố công của chúng tôi tập trung chính yếu vào diễn tả các lời thơ.




          Chúng tôi trình diễn trước một nhóm nhỏ những người quen biết và trước những khách mời có sở thích đặc biệt về văn học, được coi như những "người nhập cuộc." Điều chính yếu là phải giữ bí mật những trình diễn kịch nghệ này; nếu không, chúng tôi sẽ bị các lực lượng chiếm đóng trừng trị đích đáng, có khi bị đưa vào các trại tập trung. Tôi phải nhìn nhận rằng toàn bộ những kinh nghiệm kịch trường này đã để lại ấn tượng thâm sâu nơi tôi, cho dầu vào một lúc nào đó tôi đã nhận ra đó không phải là ơn gọi thực sự của mình.
         
          Mùa thu năm 1942, tôi quyết định dứt khoát vào chủng viện Cracow được điều hành một cách lén lút. Cha Bề Trên Jan Piwowarczyk nhận tôi gia nhập. Công việc này phải được giữ thật bí mật, ngay cả đối với các người thân nhất. Tôi bắt đầu theo học Phân khoa Thần học thuộc đại học Jagellon, cũng được điều hành bí mật, trong lúc tôi vẫn tiếp tục làm việc như một công nhân tại Solvay. Trong thời kỳ bị chiếm đóng, Đức Tổng Giám mục thiết lập chủng viện bí mật ngay tại chỗ ngài ở. Bất cứ lúc nào, với công việc này, các bề trên và chủng sinh có thể bị chính quyền Đức Quốc Xã đàn áp nghiêm khắc. Tôi bắt đầu cư ngụ ngay trong chủng viện bất thường này với vị Giáo chủ đáng kính vào tháng 9 năm 1944 và tôi có thể ở đó với các đồng môn cho tới ngày 18 tháng giêng năm 1945, ngày - đúng hơn là đêm - giải phóng.(…)
          Những năm được đào tạo tại chủng viện qua đi như thế đó. Hai năm đầu tiên miệt mài học triết học. Tôi đã tốt nghiệp trong bí mật, trong khi làm việc như một công nhân. Hai năm sau, 1944 và 1945 tôi gia tăng nỗ lực và thời giờ tại Đại học Jagellon, dầu cho chương trình học còn rất khiếm khuyết trong năm đó theo sau chiến tranh. Tuy nhiên, niên khoá 1945-1946 (…) Vào đầu niên khóa thứ năm, Đức Tổng Giám mục đã quyết định gởi tôi đi Rôma để hoàn tất học trình của tôi. Và nhờ vậy, tôi đã được thụ phong linh mục sớm hơn các đồng bạn vào ngày mồng một tháng mười một, năm 1946.
          Việc chuẩn bị tôi cho thiên chức linh mục tại chủng viện, theo một ý nghĩa nào đó, đã đến sau việc gia đình chuẩn bị cho tôi, nhờ đời sống và gương sáng của song thân tôi. Trước tiên, tôi phải biết ơn cha tôi góa vợ lúc ngài còn trẻ. Tôi chưa được Rước Lễ Lần Đầu thì đã mất mẹ: khi ấy tôi mới lên chín tuổi. Do đó tôi chưa ý thức được rõ ràng những gì mẹ tôi đã đóng góp cho công việc rèn luyện đời sống đạo của tôi, nhưng chắc chắn phải lớn lao. Sau khi mẹ tôi chết, rồi tiếp theo đó người anh cả cũng chết theo, và như vậy tôi sống đơn côi với cha tôi, một người có lòng đạo đức thâm sâu. Hàng ngày tôi có thể quan sát thấy lối sống khắc kỷ của ngài. Trước đây ngài theo binh nghiệp, và sau khi mẹ tôi qua đời, cuộc sống của ngài trở thành lời cầu nguyện liên lỉ. Thỉnh thoảng thức giấc nửa đêm, tôi nhìn thấy ngài vẫn quỳ gối, như tôi thường thấy ngài quỳ trong nhà thờ. Chúng tôi không bao giờ nói về ơn gọi linh mục, nhưng gương sáng của ngài chính là chủng viện đầu tiên, một loại chủng viện tại gia.(…)
          Sau những năm đầu ấy, hầm đá và xưởng lọc nước trong xưởng hóa chất tại Borek Falecky trở thành chủng viện của tôi; đó không chỉ là một 'trường thử' như tại Wadowice. Với tôi, tại thời điểm này, nhà máy đã thực sự là một chủng viện, dẫu là một chủng viện bí mật. Tôi bắt đầu làm việc tại hầm đá vào tháng chín năm 1940; một năm sau tôi qua xưởng lọc nước. Đó là những năm dẫn đưa quyết định cuối cùng của tôi đến chỗ chín mùi. Mùa thu 1942, tôi bắt đầu theo học tại chủng viện chui như một sinh viên văn khoa cũ, trong lúc vẫn là một công nhân tại Solvay. Khi ấy tôi chưa nhận ra được tầm quan trọng của những kinh nghiệm này. Chỉ sau này, khi là linh mục theo học tại Roma, các đồng môn tại Đại học Bỉ đã giúp tôi ý thức về vấn đề của các linh mục thợ thuyền và Phong trào Thanh Lao Công (JOC), lúc đó tôi mới nhận ra tầm quan trọng của những tiếp xúc với thế giới lao động mà Giáo hội và các linh mục Phương Tây phải đương đầu. Giao tiếp này đã ghi khắc sâu kinh nghiệm vào cuộc đời tôi.

          Thực sự, kinh nghiệm của tôi không phải là kinh nghiệm của một "linh mục thợ thuyền" nhưng của "chủng sinh thợ thuyền". Bằng đôi tay lao động, tôi đã hiểu rất rõ ý nghĩa của lao động thể xác. Hàng ngày tôi sinh sống với những người lam lũ nặng nhọc. Tôi đã đến để hiểu được những hoàn cảnh sống của họ, gia đình họ, những quan tâm của họ, những giá trị nhân linh nơi họ và cả tư cách của họ nữa. Đích thân tôi đã cảm nghiệm được những tấm lòng hào hiệp của họ. Họ biết tôi là một sinh viên và họ đều biết rằng khi hoàn cảnh cho phép, tôi sẽ trở lại công việc học hành. Không bao giờ tôi gặp thù nghịch nơi họ về mục đích này. Tôi không làm họ bực bội khi mang theo sách đi lao động. Họ thường nói, "Chúng tôi canh chừng cho đó: cứ tiếp tục đọc sách đi!" Chuyện này đặc biệt xẩy ra vào những ca ban đêm. Họ thường nói: "Cậu đi kiếm chỗ nghỉ đi, chúng tôi coi chừng cho!"

          Tôi kết thân với các thợ thuyền. Đôi khi họ mời tôi về thăm nhà họ. Sau này khi đã làm linh mục và giám mục, tôi rửa tội cho con cháu họ, làm đám cưới cho các con cháu họ và chủ tế những đám tang của họ nữa. Tôi cũng đã có thể quan sát được lòng đạo đức thâm sâu đầy trầm lặng của họ và sự hiểu biết sâu rộng của họ về cuộc sống. Những giao tiếp này vẫn tiếp tục rất thân tình với tôi, cả sau khi cuộc chiếm đóng của Đức Quốc Xã đã chấm dứt, cho đến ngày tôi được chọn làm Giám Mục Roma. Một vài người trong họ vẫn liên lạc thư từ với tôi.

          Tôi kết thân với các thợ thuyền. Đôi khi họ mời tôi về thăm nhà họ. Sau này khi đã làm linh mục và giám mục, tôi rửa tội cho con cháu họ, làm đám cưới cho các con cháu họ và chủ tế những đám tang của họ nữa. Tôi cũng đã có thể quan sát được lòng đạo đức thâm sâu đầy trầm lặng của họ và sự hiểu biết sâu rộng của họ về cuộc sống. Những giao tiếp này vẫn tiếp tục rất thân tình với tôi, cả sau khi cuộc chiếm đóng của Đức Quốc Xã đã chấm dứt, cho đến ngày tôi được chọn làm Giám Mục Roma. Một vài người trong họ vẫn liên lạc thư từ với tôi.

          Tôi phải lùi trở lại thời gian trước khi vào chủng viện. Tôi không thể không nhắc tới một địa danh đặc biệt và một nhân vật tại đó, người mà tôi đã học hỏi rất nhiều trong thời kỳ đó. Địa danh ấy chính là giáo xứ của tôi được dâng hiến cho Thánh Stanislaus Kostka, tại Dębniki, trong Tổng Giáo phận Kraków. Các cha dòng Salêsiêng coi sóc giáo xứ này và vào một ngày đen tối, các ngài bị Đức Quốc Xã lùa vào trại tập trung. Chỉ còn lại cha xứ già cả và vị giám tỉnh. Tất cả những linh mục khác đều bị giam giữ tại Dachau. Tôi vẫn tin rằng sự hiện diện của các linh mục Dòng Salêsiêng đóng một vai trò quan trọng trong công việc đào tạo ơn gọi cho tôi.

          Trong giáo xứ có một nhân vật nổi bật: tôi muốn nói tới Jan Tyranowski. Nghề nghiệp của ông là thư ký, nhưng ông đã chọn làm việc cho tiệm may của cha ông. Ông nói làm việc như người thợ may dễ giúp ông phát triển đời sống nội tâm. Ông đặc biệt có đời sống nội tâm thâm trầm. Các cha Dòng Salêsiêng thật can đảm khởi động công việc giữa giới trẻ vào giai đoạn khó khăn này, khi giao cho ông trọng trách thiết lập một mạng lưới giao tiếp với giới trẻ qua phương thức "Chuỗi Mân Côi Sống". Lúc điều hành công việc này, Jan Tyranowski không tổ chức đơn độc một mình; ông cũng quan tâm tới việc phải đào tạo tâm linh cho những người trẻ ông tiếp xúc. Nhờ đó tôi đã học được những phương pháp căn bản tự đào tạo mình mà sau này được xác quyết và khai triển trong chương trình đào tạo chủng sinh. Việc đào luyện cuộc sống tâm linh của Tyranowski dựa trên các tác phẩm của Thánh Gioan Thánh Giá và Mẹ Têrêsa Avila. Tyranowski đã giúp tôi đọc các tác phẩm này, một việc làm được coi như khác thường với lứa tuổi của tôi.

          Đây là điểm giúp tôi quan tâm tới linh đạo Dòng Kín. Tại Kraków, trên đường phố Rakowicka có tu viện của các cha Dòng Camêlô cải cách. Tôi đã đến đây nhiều lần và trải qua một tuần tĩnh tâm với các ngài, dưới sự hướng dẫn của cha Leonard thuộc Dòng Đức Mẹ Sầu Bi. Có một thời gian tôi cũng có ý nghĩ gia nhập Dòng Camêlô. Những phân vân của tôi đã được Đức Hồng y Tổng Giám mục Sapieha giúp giải quyết, khi ngài nói một câu thật ngắn gọn: "Trước tiên con phải hoàn tất những gì con đã khởi sự." Và đó là tất cả những gì đã tiếp diễn.

          Trong những năm đó, cha linh hướng và giải tội của tôi là linh mục Kazimierz Figlewicz. Lần đầu tiên tôi gặp ngài lúc ấy tôi theo học năm đầu tại trung học ở Wadowice. Cha Figlewicz là cha phó của giáo xứ Wadowice, dậy giáo lý cho chúng tôi. Nhờ ngài, tôi gần gũi với giáo xứ hơn và trở thành chú giúp lễ và những tay tổ chức nhóm giúp lễ. Khi ngài dời Wadowice về phục vụ tại Vương Cung Thánh Đường Kraków, nằm tại vùng cổ Lâu đài Hoàng gia Wawel, tôi vẫn tiếp tục liên lạc với ngài. Tôi còn nhớ vào năm thứ năm trung học, ngài đã mời tôi tới Kraków tham dự Tuần Tam Nhật Thánh, bắt đầu với "Kinh Những Bóng Tối" vào buổi chiều Thứ Tư Tuần Thánh. Kinh nghiệm này đã gây những ấn tượng thâm sâu nơi tôi. Sau khi tốt nghiệp, ba tôi và tôi dời về Kraków. Khi ấy tôi gần gũi với linh mục Figlewixz hơn; ngài là linh mục phó xứ Vương Cung Thánh Đường. Tôi thường tới xưng tội và thăm ngài trong thời kỳ Đức Quốc Xã chiếm đóng.

          Không bao giờ tôi quên ngày mồng một tháng chín năm 1939. Đó là ngày Thứ Sáu Đầu Tháng. Tôi tới Wawel xưng tội. Vương Cung Thánh Đường hoàn toàn trống vắng. Có lẽ đó là lần cuối cùng tôi có thể bước vào nhà thờ một cách tự do. Sau này nhà thờ bị đóng cửa và Lâu Đài Hoàng Gia tại Wawel trở thành Tổng hành dinh của vị tướng chỉ huy trong chính phủ Đức Quốc Xã, tướng Hans Frank. Cha Figlewicz là linh mục duy nhất được cử hành Thánh lễ hai lần một tuần trong Vương Cung Thánh Đường đóng cửa và dưới sự canh chừng của cảnh sát Đức. Vào những thời buổi khó khăn ấy, thật rõ ràng tất cả đều mang một ý nghĩa với ngài - Vương Cung Thánh Đường, lăng tẩm, bàn thờ Thánh Stanislaus, một Giám mục Tử Đạo. Cho tới khi qua đời, cha Figlewicz vẫn là người canh giữ trung thành linh địa đặc biệt ấy của Giáo hội và Quốc gia; ngài đã truyền đạt nơi tôi lòng mộ mến đặc biệt đối với Vương Cung Thánh Đường tại Wawel, nơi mà một ngày nào đó đã trở thành Vương Cung Thánh Đường Tòa Giám mục của tôi.

          Vào ngày mồng một năm 1946, tôi được thụ phong linh mục. Ngày hôm sau, lễ mở tay, tôi cử hành tại hầm mộ Thánh Leonard trong Vương Cung Thánh Đường. Cha Figlewicz đứng bên cạnh và hướng dẫn tôi. Vị linh mục khả kính này giờ đây đã an giấc ngàn thu cách đây vài năm. Chỉ có Thiên Chúa mới có thể trả công cho ngài về tất cả những công trạng ngài đã trợ giúp tôi.




          Thật tự nhiên, khi đề cập đến nguồn gốc ơn gọi linh mục của tôi, tôi không thể bỏ qua dòng lịch sử Thánh Mẫu. Tôi đã học được những truyền thống tôn sùng Mẹ Thiên Chúa nơi gia đình và nơi họ đạo của tôi tại Wadowice. Tôi còn nhớ, trong nhà thờ họ đạo, một bên nguyện đường được dành tôn kính Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp. Vào các buổi sáng, học sinh trung học đến viếng Đức Mẹ trước giờ học. Buổi chiều, sau giờ học, nhiều học sinh tới đó cầu nguyện với Mẹ Đồng Trinh.

          Cũng thế, trên một đỉnh đồi ở Wadowice, Dòng Khổ Tu Camêlô đã được thành lập từ thời Thánh Raphael Kalinowski. Người dân từ Wadowice leo lên đây đông đảo và nhờ vậy việc tôn sùng đeo Dây Đức Bà Núi Camêlô trở thành phổ thông. Tôi cũng nhận được Dây Đức Bà và tôi nghĩ lúc đó mới lên mười và tôi còn đeo tới ngày nay. Các tín hữu cũng còn đến đây xưng tội. Và như vậy, cả tại giáo xứ và tại thánh đường của dòng khổ tu Camêlô, lòng sùng kính Mẹ Maria của tôi đã được hình thành ngay từ những năm thơ ấu, rồi niên thiếu và qua những năm trung học.

          Khi lớn lên ở Kraków, tại Dębniki, tôi gia nhập nhóm "Chuỗi kinh Mân Côi Sống" trong giáo xứ của các cha dòng Salêsiêng. Nơi đó lòng tôn kính thật đặc biệt với Mẹ Maria, Đấng Phù Trợ các Kitô hữu. Tại Dębniki, vào thời điểm ơn gọi linh mục của tôi triển nở dưới ảnh hưởng của Jan Tyranowski, tôi nhớ có một thay đổi trong kiến thức về lòng tôn sùng Mẹ Thiên Chúa. Tôi đã xác tín rằng Mẹ Maria dẫn dắt chúng ta tới Chúa Kitô, nhưng vào thời điểm này, tôi cũng bắt đầu nhận ra Chúa Kitô dẫn dắt chúng ta tới Mẹ Ngài. Ở một điểm nào đó, tôi bắt đầu đặt câu hỏi về lòng tôn sùng Mẹ Maria khi tin rằng, nếu lòng tôn sùng đó mãnh liệt quá, chắc hẳn sẽ phương hại đến việc ưu tiên tôn thờ Chúa Kitô. Lúc đó, tôi đã dựa rất nhiều vào cuốn sách của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort mang tựa đề "Luận án về sùng kính Đức Trinh Nữ." Nơi đây tôi đã tìm được các câu trả lời. Phải, Mẹ Maria dẫn đưa chúng ta gần gũi với Chúa Kitô hơn; Mẹ dìu dắt chúng ta tới Chúa, miễn là chúng ta sống huyền nhiệm của ngài trong Chúa Kitô. Luận án này của Thánh Louis Marie Grignion de Montfort có phần gây ra bối rối, qua lối hành văn hoa mỹ và kỳ dị, nhưng người ta không thể chối cãi được những chân lý thần học chính yếu trong đó. Tác giả là một nhà thần học lừng danh. Những tư tưởng Thánh Mẫu học của ngài đã đâm rễ sâu từ mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi và chân lý Nhập Thể của Ngôi Lời Thiên Chúa.

          Rồi tôi mới hiểu lý do tại sao Giáo hội đọc kinh Truyền Tin (Angelus) ba lần một ngày. Tôi nhận ra những lời kinh đó thật quan trọng: "Thánh Thiên Thần truyền tin cho Đức Bà chịu thai bởi phép Đức Chúa Thánh Thần... Này tôi là tôi tá Đức Chúa Trời: tôi xin vâng như lời Thánh Thiên Thần truyền... Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người và ở cùng chúng tôi..." Thật là những lời thần lực! Những lời ấy diễn tả thực tế thâm sâu của một biến cố trọng đại nhất đi vào lịch sử nhân loại.

          Đó là gốc nguồn của khẩu hiệu Totus Tuus. Câu nói này phát xuất từ Thánh Louis Marie Grignion de Monfort. Đó là lời nguyện tắt của câu nghi thức tín thác đầy đủ hơn nơi Mẹ Thiên Chúa được diễn tả như sau: "Totus Tuus ego sum et omnia mea Tua sunt. Accipio Te in mea omnia. Praebe mihi cor Tuum, Maria." (Con đây là Tất cả của Mẹ và mọi sự của con là Của Mẹ. Con nhận lãnh Mẹ trong tất cả mọi sự của con. Xin Mẹ hãy cho con mượn trái tim Mẹ, lạy Mẹ Maria). Và như thế, nhờ Thánh Louis, tôi bắt đầu khám phá ra những kho tàng bao la trong việc sùng kính Mẹ Maria theo những nhãn quan mới. Thí dụ, khi còn trẻ thơ, tôi thường nghe hát "Giờ kinh Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội" trong nhà thờ giáo xứ, nhưng chỉ sau này tôi mới nhận ra được nội dung thần học và Thánh Kinh phong phú. Cũng thế, các bài hát dân ca như những bản Thánh ca Giáng Sinh Ba Lan và Kinh Cầu Chịu Nạn trong Mùa Chay làm nổi bật những lời tâm hồn than vãn với Mẹ Sầu Bi.



          Những kinh nghiệm thiêng liêng này đã là nền tảng hình thành cho hành trình cầu nguyện và chiêm niệm dần dần dẫn đưa tôi tới thiên chức linh mục và sau này vẫn tiếp tục dẫn hướng tôi trong mọi biến cố cuộc đời. Suốt từ hồi thơ ấu và cho tới khi làm linh mục và giám mục, hành trình cầu nguyện và chiêm niệm này vẫn dẫn dắt tôi thường xuyên lên đường hành hương Thánh Mẫu về Kalwaria Zebrzydowska. Kalwaria là một linh địa kính Đức Mẹ chính yếu của Tổng Giáo phận Cracow. Tôi thường đến đó, đi dọc theo lối mòn trong thanh vắng và trong lời kinh, tôi trình bầy với Chúa nhiều vấn đề đa dạng trong Giáo hội, nhất là vào những thời kỳ đầy khó khăn trong cuộc chiến đấu chống Cộng sản. Khi nhìn lại, tôi thấy tất cả mọi chuyện được nối kết với nhau: ngày nay cũng như quá khứ, chúng ta nhận ra mình cũng bị lôi vào một huyền nhiệm thật thâm sâu.
          Như tôi vẫn thường nói, ơn gọi linh mục đã chín mùi dứt khoát vào thời điểm Đệ Nhị Thế Chiến, trong thời Đức Quốc chiếm đóng. Phải chăng đây chỉ là chuyện tình cờ hay là một nối kết thâm sâu hơn giữa những gì đang phát triển trong tôi với những biến động lịch sử bên ngoài? Thực khó trả lời cho một câu hỏi như thế. Chắc chắn, trong kế hoạch của Thiên Chúa, chẳng có gì xẩy ra ngẫu nhiên cả. Tất cả những gì tôi muốn nói chính là thảm kịch chiến tranh đã đem tới diễn trình chín mùi cho một chọn lựa ơn gọi một cách độc đáo.. Điều đó đã giúp tôi hiểu theo một cách thức mới về giá trị và tầm quan trọng của ơn gọi. Đối diện với những tội ác hoành hành và những thảm khốc của chiến tranh, tôi cũng hiểu được ý nghĩa và sứ mạng của thiên chức linh mục trong thế giới.
           
Chiến tranh bùng nổ đã đẩy tôi xa khỏi đại học và công việc bút nghiên và theo học Đại học. Vào thời điểm này, tôi cũng mất người cha thân yêu là một thành phần thân thuộc trực tiếp cuối cùng trong gia đình tôi. Một cách khách quan, tất cả những chuyện đó đã đem tôi thoát dần khỏi những kế hoạch đầu đời của tôi, giống như đã bị đánh bật rễ khỏi mảnh đất đã vun trồng nhân loại tính của tôi cho đến lúc đó.

          Tiến trình này không chỉ tiêu cực như thế, nhưng cùng lúc một điểm sáng bắt đầu chiếu rọi rõ rệt hơn bao giờ hết trong ký ức tôi: Thiên Chúa muốn tôi trở thành linh mục của Ngài. Một ngày kia tôi nhìn thấy điều này thật rõ rệt tựa như một khai ngộ nội giới đem đến cho tôi niềm hân hoan và chắc chắn về một ơn gọi mới. Chính tâm thức này đã làm ngập tràn hồn tôi niềm an bình thâm sâu cao cả.

          Tất cả những chuyện này xẩy ra đối kháng lại đấu trường của những biến cố kinh hoàng đang xẩy ra chung quanh tôi tại Kraków, Ba Lan, Âu Châu và trên thế giới. Tôi chỉ trực tiếp cảm nghiệm được một phần nhỏ những gì mà những người đồng hương của tôi đã phải trải qua từ năm 1939 về sau. Tôi đặc biệt nghĩ đến các bạn học cùng lớp tại Wadowice, những người bạn thân thiết, và một số trong họ là người Do Thái. Một số đã đăng ký vào quân đội từ năm 1938. Tôi tin rằng người đầu tiên bỏ mình trong cuộc chiến chính là người trẻ nhất trong lớp tôi. Sau này tôi biết được một cách đại quan về số phận của những người khác đã ngã gục trên những chiến tuyến khác, hoặc chết trong các trại tập trung, hoặc chiến đấu tại Tobruk và Montecassino, hoặc bị đem đi đầy ải tại các lãnh thổ của Liên Bang Sô Viết: Nga Sô và Kazakhstan. Lúc đầu tôi biết được những chuyện này một phần, nhưng sau đó đầy đủ hơn trong buổi họp mặt các bạn học cũ tổ chức năm 1948 tại Wadiwice, nhân dịp kỷ niệm năm thứ mười ngày tốt nghiệp của chúng tôi. Tôi đã được che chở rất nhiều khỏi tấn thảm kịch rộng lớn và hãi hùng của Đệ Nhị Thế Chiến.

          Tôi có thể bị bắt giữ bất cứ ngày nào tại nhà, nơi hầm đá, trong công xưởng và bị đưa đến trại tập trung. Đôi khi tôi tự hỏi: vô số người trẻ cùng trang lứa đã thiệt mạng, tại sao không phải tôi? Ngày nay tôi hiểu rằng đó không chỉ là số may. Giữa những chồng chất của tội ác chiến tranh như thế, những gì xẩy ra trong cuộc sống cá nhân của tôi đều hướng đến lợi ích cho ơn gọi của tôi. Tôi không thể quên những tấm lòng từ nhân biểu lộ nơi những người Chúa đã đặt định trong bước đường đời của tôi vào giai đoạn cực kỳ khó khăn đó, kể cả những phần tử trong gia đình tôi, đồng môn của tôi cũng như những bạn hữu của tôi.
          Tôi được phong chức linh mục vào một ngày khác thường đối với bao nghi lễ như thế này: đó là ngày mồng một tháng mười một, ngày Lễ Các Thánh. Ngày đó phụng vụ trong Giáo hội hoàn toàn quy hướng về cử hành mầu nhiệm Các Thánh Thông Công và chuẩn bị kính nhớ các tín hữu đã lìa trần. Đức Tổng Giám mục đã chọn ngày này vì tôi đã được sắp xếp đi Roma tiếp tục công việc học hành. Tôi được phong chức một mình trong nhà nguyện riêng của các Đức Tổng Giám mục Kraków. Các đồng môn của tôi được truyền chức vào năm sau trong ngày Chúa Nhật Lễ Lá.
          Tôi đã được truyền chức trợ phó trế và phó tế trong tháng mười. Đó là tháng cầu nguyện cao độ, được xen kẽ bằng nhiều buổi tĩnh tâm nhằm chuẩn bị cho tôi chịu các Chức Thánh: sáu ngày tĩnh tâm trước chức Trợ Phó tế, rồi ba ngày trước chức Phó tế và sáu ngày trước khi thụ phong Linh mục. Trong đợt tĩnh tâm cuối cùng, tôi đã tĩnh tâm một mình trong nhà nguyện chủng viện. Buổi sáng ngày Lễ Các Thánh, tôi đã có mặt tại Tòa Tổng Giám mục Cracow, số 3 đường Franciszkanska để thụ phong linh mục. Chỉ có một nhóm nhỏ thân quyến và bạn hữu hiện diện trong nghi lễ này.
          Sau khi được thụ phong linh mục vào Lễ Các Thánh, tôi đã cử hành Thánh Lễ Mở Tay vào ngày Lễ Các Linh Hồn, ngày mồng 2 tháng 11 năm 1946. Vào ngày đó, mỗi linh mục được phép cử hành ba Thánh Lễ vì lợi ích các tín hữu. Như vậy hóa ra tôi đã cử hành ba Thánh Lễ Mở Tay. Thực là một cảm nghiệm rung động sâu xa. Tôi đã cử hành ba Thánh Lễ nơi hầm mộ Thánh Leonard. Hầm mộ này trong nhà thờ Chính Toà Wawel tại Cracow, là phần phía trước của nơi được mệnh danh là nhà thờ Chánh Tòa Herman của Tòa Giám mục. Ngày nay hầm mộ là phần của tòa nhà dưới hầm nơi các ngôi mộ hoàng gia được chôn cất. Tôi đã chọn nơi đây để cử hành các Thánh Lễ Mở Tay để bộc lộ những mối giây liên kết linh thiêng với những vị được chôn cất trong ngôi Nhà Thờ Chính Tòa này. Mang đầy vết tích lịch sử, đây là công trình kiến trúc vô tiền khoáng hậu. Khác xa bất cứ ngôi thánh đường Ba Lan nào, Vương Cung Thánh Đường Wawel mang nhiều ý nghĩa lịch sử và thần học. Các vua chúa Ba Lan được chôn cất nơi đây, bắt đầu với Władysław Lokietek: nơi đó các ngài được phong vương và cũng là nơi an nghỉ giấc ngàn thu. Tất cả những ai đến viếng thánh địa này đều nhận thấy mình chìm đắm trong lịch sử dân tộc.
          Và đó là lý do tại sao tôi muốn cử hành các Thánh Lễ Mở Tay nơi hầm mộ Thánh Leonard: tôi muốn diễn tả mối giây liên kết thiêng liêng với lịch sử Ba Lan, một lịch sử được biểu tượng bằng ngọn đồi Wawel. Nhưng còn nhiều nữa. Việc lựa chọn của tôi còn mang một ý nghĩa thần học đặc biệt. Như tôi đã nói, tôi đã được truyền chức vào ngày trước đó, ngày Lễ kính Trọng Thể Các Thánh, khi Giáo hội diễn tả bằng phụng vụ về thực tại Các Thánh Cùng Thông Công - communio sanctorum. Các Thánh là những người đã chấp nhận Huyền Nhiệm Phục Sinh của Chúa Kitô bằng đức tin, và bây giờ đang chờ cuộc phục sinh tối hậu.
          Tất cả những vị có di hài trong các mồ nơi Vương Cung Thánh Đường Kraków, đều đang nằm đó chờ ngày sống lại. Như vậy toàn bộ Vương Cung Thánh Đường xem ra như đang vang vọng lời kinh Tin Kính của các Tông đồ: "Tôi trông đợi kẻ chết sống lại và sự sống đời sau. "Chân lý của niềm tin này cũng chiếu dọi vào lịch sử các dân tộc. Tất cả những vị ấy đều là những "bậc thượng trí" dìu dắt quốc gia qua mọi thời đại. Trong hàng ngũ các ngài, không những chúng ta chỉ tìm thấy các bậc vua chúa, các hoàng hậu, hoặc các giám mục và hồng y, nhưng còn cả các thi nhân, các bậc đại văn hào đã ảnh hưởng rất nhiều vào công việc giáo dục tôi thành một Kitô hữu và một nhà ái quốc.
  

          Có ít người tham dự các Thánh Lễ Mở Tay của tôi được cử hành trên đồi Wawel: trong số đó, tôi còn nhớ mẹ đỡ đầu Maria Wiadrowska, người chị của mẹ tôi. Mieczyslaw Malinski giúp lễ, một cách nào đó, anh chính là một hiện thân tâm trí và thể xác của Jan Tyranowski, lúc đó đang đau nặng. Sau này, khi là linh mục và giám mục, tôi luôn luôn tới thăm viếng hầm mộ Thánh Leonard với đầy xúc động. Và tôi thích thú biết bao nếu được cử hành Thánh Lễ kỷ niệm 50 năm thụ phong linh mục tại đó!

JAN PAWEŁ II

Thứ Ba, 9 tháng 11, 2010

BÁNH MÌ VÀ MUỐI

Bánh mì và muối là thực phẩm cơ bản của người dân Châu âu nói chung và dân Ba Lan nói riêng. Theo tín ngưỡng dân gian, bánh mì và muối có những đặc tính lạ thường. Đặc tính của muối là bảo vệ khỏi sự hư hỏng, thối rửa, phòng vệ và sự tốt bụng. Bản chất căn bản của bánh mì và muối là sự sống. Trong truyền thống lễ hội của Ba Lan, bánh mì và muối chiếm một chổ tương đối đặc biệt quan trọng cùng với những đặc điểm phong tục khác nhau.




          Tại tất cả các vùng trên toàn quốc Ba Lan, phổ biến nhất là nghi thức chào đón, trao bánh mì và muối cho những vị khách quan trọng, những người thân đặc biệt, như là dấu chỉ sự kính trọng, tình thân hữu, và hiếu khách. Trong quá khứ, bánh mì và muối là biểu tượng của hồng ân, như là sự phục tùng. Ví dụ, trong quân chủ chính thể hoặc nơi những vị chức sắc trong giáo hội.




          Bánh mì và muối cũng chiếm một chổ quan trọng không kém trên trong nghi lễ đám cưới tại gia. Đôi hôn nhân trước khi đến nhà thờ, cần lấy bánh mì và muối, đặt trên ngực như là dấu chỉ kính trọng nhất đối với hồng ân của Chúa, để trong nhà họ sẽ chẳng bao giờ đói kém. Trước khi đôi hôn nhân bước lên xe đến nhà thờ, mẹ cô dâu đặt ổ bánh mì trước xe, cặp hôn nhân rắc muối lên đó, để phòng tránh mọi điều rủi ro xảy đến. Từ nhà thờ trở về nhà, đôi tân hôn được mẹ cô dâu đón trước cửa vào với bánh mì và muối, và nói rằng: “để các con chẳng bao giờ thiếu bánh”, tiếp đến là những lời chúc tốt đẹp của mọi người cho đôi hôn phối trên đường đời mới. Phong tục này phổ biến trên khắp mọi vùng tại Ba Lan từ thế kỷ 16. Tiệc cưới bắt đầu, khi tất cả khách mời đã vào bàn, đôi tân hôn phải ăn một miếng bánh mì cùng với muối. Theo tín ngưỡng, người đầu tiên ăn mẫu bánh này, sẽ là người điểu khiển kinh tế gia đình.
          Theo tín ngưỡng dân gian, bánh mì và muối được làm phép vào ngày lễ thánh Agata (14/11) và giữ lại trong nhà để tránh hỏa hoạn xảy đến.
Một chút bánh mì và muối được làm phép, thả xuống giếng, xuống sông,và suối, mục đích làm cho nước sạch, có thể dùng để uống.
Một tín ngưỡng khác nữa là, bánh mì và muối được đặt nơi góc tường, trong quá trình xây nhà, để tránh điều xui xẻ xảy đến. Với mục đích này, bánh mì và muối sẽ mang lại hạnh phúc cho mọi thành viên trong gia đình trong ngôi nhà mới.
Ngoài ra bánh và muối còn được dùng để chữa một số bệnh dân gian; như bệnh sốt cao…

Łukasz Vũ, SVD

Tradycyjne wesele Wietnamczyków

             

            Tradycyjne wesele wietnamskie oparte jest na regule, która istnieje od setek lat. Jest ona odbiciem tradycyjnego pojmowania własności i życia małżeńskiego. W rodzinie tradycyjnej głównym celem małżeństwa było potomstwo męskie dla kontynuowania kultu przodków. W ogóle liczne potomstwo było uważane za błogosławieństwo bogów. W przeszłości, szczególnie w wyższych sferach, małżeństwo nie było urządzane przez samych małżonków, lecz przez ich rodziny, które kierowały się przy tym ekonomicznym i społecznym statusem każdej ze stron. Celem małżeństwa było nie tylko zainicjowanie życia małżeńskiego, lecz również ustanowienie związku między rodzinami. Nawet dzisiaj, gdy młodzi ludzie mogą swobodnie wybierać swoich partnerów, pierwszym krokiem w kierunku małżeństwa jest zawsze uzyskanie formalnej zgody obu rodzin. Dlatego organizacja i przygotowanie wesela jest ważną sprawą, do której każdy członek rodziny musi się przyczynić (rodzina jest tu rozumiana w szerokim sensie - obejmuje najbliższych i wszystkich krewnych ze strony ojca).


            Tradycyjne wesele ma sześć etapów:
1.          Nạp thái zwane również chạm ngõ w mowie potocznej. Rodzina narzeczonego odwiedza rodzinę narzeczonej, by formalnie poprosić o zgodę na poślubienie jej przez niego. Narzeczony musi podarować swej przyszłej żonie liście i orzechy betelu, symbol nierozerwalnego związku małżeńskiego, w dowód swej szczerości.
2.          Vấn danh zwany również ân hồi. Młodzi zostają formalnie przedstawieni sobie nawzajem i rodzinie narzeczonego/narzeczonej. Jest to także czas dla obu rodzin, szczególnie rodziców, by się poznać.
3.          Nạp cát rodzina narzeczonego poddaje rodzinie narzeczonej pod rozwagę plan wesela i prosi o decyzję.
4.          Thỉnh kỳ rodzina narzeczonej podaje do wiadomości swą ostateczną decyzję w sprawie wesela.
5.          Nạp tề przedstawiciele rodziny narzeczonej przynoszą wszystko, co potrzebne narzeczonej na weselu i parę prezentów dla rodziny w wyznaczonym czasie.
6.          Thân nghinh część główna. Dokonuje się obrzędów weselnych przed ołtarzami przodków obu rodzin; młode małżeństwo składa głęboki pokłon przed ołtarzem przodków, przed rodzicami i innymi członkami rodziny małżonki. (Młodzi stają się wtedy oficjalnie mężem i żoną). Rodzice małżonki w obecności zaproszonych gości wręczają młodej parze pieniądze i biżuterię, które mają im pomóc w urządzeniu się. Ceremonie weselne kończą się nową ucztą weselną.
W przeszłości ominięcie którejkolwiek fazy było poważnym wykroczeniem, które gorszyło zaangażowane rodziny, teraz jednak zachowano tylko trzy najważniejsze fazy (nạp thái, vấn danh, thân nghinh), by zaoszczędzić czasu i pieniędzy.
            Tradycyjne wietnamskie rytuały i obyczaje ślubne są mieszaniną rodzimej i chińskiej kultury, i wykazują silne wpływy moralności konfucjańskiej. Ich celem jest zapewnienie młodym małżeńskiego szczęścia i stworzenie bliskich więzi między obydwiema rodzinami. Narzeczony przychodzi do domu narzeczonej ze starszym krewnym ze swojej rodziny, który miał szczęśliwe życie, by złożyć hołd przodkom rodziny narzeczonej i wyrazy szacunku jej rodzicom. Potem prowadzi się narzeczoną przed ołtarz przodków rodziny męża, gdzie „przedstawia” się ją duchom przodków jako nowego członka rodziny. Następnie młoda para skosztuje kubek ryżowego wina i małą potrawę z parowanego lepkiego ryżu jako zadatek wspólnego szczęścia, jak też niedoli. Po zakończeniu ceremonii następuje z reguły przyjęcie weselne w obecności członków obu rodzin i ich przyjaciół, którzy świętują zawarcie związku nie tylko obojga młodych, ale zarazem obu rodzin.

Łukasz Vũ