Trang

Thứ Hai, 1 tháng 11, 2010

LỄ CÁC THÁNH VÀ CÁC ĐẲNG LINH HỒN

         Nhiều người mới đến Ba lan, hay những người đã từng sống lâu năm trên đất nước này sẽ không khỏi ngạc nhiên, vì sao Ba lan có nhiều lễ hội. Gần như các lễ hội ấy đều mang đậm bản sắc văn hóa Ki-tô giáo, nhưng không như thế mà mất hẳn đi bản sắc văn hóa dân tộc. Để hiểu được văn hóa Ba lan, thiết nghĩ rằng cần phải biết „chút ít” về văn hóa Ki-tô giáo. 1000 năm Ki-tô giáo đã để lại trên mảnh đất này nhiều bản sắc văn hóa độc đáo pha trộn lẫn bản sắc văn hóa địa phương, điển hình như lễ Các Thánh, ma tiếng Ba lan gọi là Wszystkich Świętych. Để biết về phong tục lễ này, trước tiên cũng nên tìm hiểu về nguồn gốc của nó.

          Trước hết đây là lễ các Thánh tử đạo. Vào đầu thế kỷ V, Đức giáo hoàng Bonifaciô IV đã nhận từ tay hoàng đế một đền thờ ngoại giáo, đền Panthéon. Được dựng để tôn vinh các thần. Ngài đã biến thành đền thờ dâng kính Đức Trinh Nữ Maria và các thánh tử đạo. Xác các thánh an nghỉ trong các hang toại đạo được chuyển về nhà thờ trong một cuộc lễ huy hoàng. Mỗi năm các tu viện đều nhắc lại kỷ niệm này.

          400 năm sau, Đức Giáo hoàng Grêgôriô IV quyết định rằng việc tôn kính long trọng này phải hướng về các thánh nam nữ đã được tôn phong hay chưa được biết đến vì không có sự đặc biệt nào của các Ngài chói sáng trên trần thế, nhưng ý chí và việc làm lành thánh của các Ngài được Thiên Chúa thấu suốt cõi lòng biết đến.

          Trong thánh lễ ngày hôm nay, Phúc âm kể ra những người chiếm hữu được hạnh phúc chân thật, những người có tinh thần nghèo khó hiền lành biết thương xót, có lòng trong sạch ăn ở thuận hòa, sẵn sàng bách hại vì sự công chính. Tất cả đều vui sướng vì phần thưởng bội hậu chờ đón họ trên trời. Lễ các thánh là lễ của người muốn nên lành thánh.

LỊCH SỬ

          Lễ các thánh nam nữ đã có từ thế kỷ thứ IV. Thánh Ephraim người Syrie và thánh Gioan Kim Khẩu đều biết đến một ngày lễ mừng các thánh tử đạo vào ngày 13.5 hằng năm, hay rõ hơn là Chúa Nhật thứ nhất sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Lễ này vẫn còn trong lịch sử phụng vụ của Giáo Hội Hy Lạp và được gọi là Chúa nhật chư thánh.

          Trong Giáo Hội Tây Phương cũng có một thánh lễ từ thế kỷ thứ VII, lễ toàn thể các thánh tử đạo mừng vào ngày 13.5. Đó là ngày lễ thánh hiến đền Panthéon của Rôma, để Kính Đức Trinh Nữ Maria và toàn thể các thánh tử đạo vào ngày 13.5.609.

          Lễ chư thánh (toàn thể các thánh, chứ không dành riêng cho các thánh tử đạo) được mừng vào ngày 1.11 hằng năm, chỉ xuất hiện từ thế kỷ thứ VIII do các thầy Dòng Irland, và Anh Quốc, khi sang truyền giáo ở Âu Châu đã đem theo và trong thời gian ngắn đã phổ biến rộng khắp Âu Châu. (Lm Nguyễn văn Trinh, Phụng vụ chư thánh)

          Tiếp theo sau ngày lễ Các Thánh là ngày lễ cầu cho các đẳng linh hồn, tiếng ba lan gọi là DZIEŃ ZADUSZNYęłęón.

          Theo sách vở ghi lại, thì thánh Odilo (962-1048) là Viện phụ Đan viện Cluny. Đan viện này thời đó nằm trong phần đất của nước Đức. Ngài là người thánh đức, thường cầu nguyện, hy sinh, và dâng lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời. Truyện kể rằng: Một hôm, một đan sĩ Dòng ngài đi viếng Đất Thánh Giêrusalem. Trên đường trở về Đan viện Cluny, tàu chở đan sĩ bị bão đánh giạt vào một hòn đảo. Tại đó, đan sĩ gặp một ẩn sĩ và được ẩn sĩ cho biết: "Trên đảo này có nhiều hang lửa, trong hang có nhiều người bị hành hạ, đánh đập. Tôi thường nghe các tên quỷ phàn nàn với nhau về Viện phụ Odilo và các đan sĩ Dòng của ngài rằng: ngày nào họ cũng giải thoát một số linh hồn ra khỏi hang lửa đó. Vì thế, xin thầy về nói với Cha Odilo và các anh em trong Dòng cứ tiếp tục cứu giúp các linh hồn đau khổ. Đó cũng là niềm vui cho các thánh trên Thiên đàng và là sự đau khổ cho quỷ dữ dưới Hoả ngục". Sau khi nghe biết sự việc này, Cha Odilo đã lập lễ Cầu hồn vào ngày 2-11 và trước hết cử hành trong Đan viện Cluny của ngài vào năm 998 (có sách nói năm 1030). Về sau lễ cầu hồn đã được truyền sang nuớc Pháp, và tới giữa thế kỷ X, Đức Giáo hoàng Gioan XIV đã lập lễ Cầu hồn trong Giáo hội Rôma.

          Ngày lễ cầu cho các đẳng linh hồn được lưu truyền vào Ba lan từ thế kỷ thứ 12, nhưng mãi đến cuối thế kỷ 15 mới phổ biến trên khắp đất nước. Theo truyền thống văn hóa Ba lan, ngày 1 tháng 11 là ngày rất quan trọng, vừa mừng trọng thể lễ Các Thánh và cũng là ngày tưởng nhớ đến người quá cố, dù hai ngày lễ mang nội dung khác nhau. Vào các ngày trước của lễ này, nhiều gia đình đi thăm viếng nghĩa trang, vun lại những nấm mồ, làm cỏ, sửa sang , tu bổ phần mộ những người quá cố trong gia đình, và cả những phần mộ của các vị tổ tiên nhiều đời trước đó. Tương tự như ngày lễ Thanh Minh hay Ngày Tảo Mộ trước Tết trong văn hóa Á Ðông.

          Tại Ba lan, ngày 1 và 2 tháng 11 không chỉ là ngày nghỉ của người Công giáo, mà cũng là ngày nghỉ của quốc gia. Ngày tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ và những chiến sĩ vô danh đã hy sinh vì tổ quốc. Đối với người Công giáo, thì từ buổi chiều sau thánh lễ Các Thánh được cử hành tại nhà thờ, mọi người trong giáo xứ đạo kéo nhau ra nghĩa trang, vừa đi vừa hát để cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, và người thân của mình đã qua đời. Bầu khí tại các nghĩa trang hôm nay khác hẳn như ngày thường, cảnh người lớn, trẻ em tấp nập ra vào rất vui vẻ, giáo dân đến dự lễ và xin lễ rất nhiều để cầu cho Tổ tiên, Ông bà, cha mẹ sớm về hưởng Nhan Thánh Chúa.

          Phong tục thờ cúng “người chết” của người Ba lan là một phong tục cổ, xuất phát từ tín ngưỡng dân gian của người Sla-vơ (Đông âu). Cho đến mãi thế kỷ thứ 19, ở niềm Đông Ba lan, người ta đã tìm thấy những hình thức “cúng” thức ăn và đồ uống cho người chết, như là; bánh mì, bánh ngọt, kiebasa, mật ong, rượu...Theo tín ngưỡng cổ, người Ba lan tin rằng; chết chưa phải là hết, nhưng linh hồn vẫn còn lui tới hưởng dùng các thức ăn, và phù hộ cho con cháu. Tại miền quê Ba lan, người ta kể: nửa đêm Lễ Cầu hồn, người ta thắp điện sáng cả nhà thờ, để các linh hồn trong xứ đạo đã qua đời về quanh bàn thờ cầu ơn giải thoát khỏi luyện ngục. Người ta nói là, sau đó trở lại thăm lại nhà mình, thăm nơi mình quen thuộc, làm việc mình đã làm khi còn sống. Và để đón tiếp những linh hồn này, người ta để cửa sổ mở suốt đêm mồng 2.

          Ngày nay hình thức „cúng thức ăn” không còn nữa, nhưng thay vào đó là; đặt những chậu hoa, thắp những ngọn nến trên phần mộ, cầu nguyện cho ông bà tổ tiên là để nối tiếp truyền thống cổ xưa ấy. Ngoài ra tục viếng mồ tổ tiên là nét đặt trưng cổ truyền của văn hóa Ba lan. Dù tất bật thế nào đi chăng nữa trong cuộc sống mưu sinh, dù cả năm bôn ba làm ăn ở nơi xa, nhưng chốn quay về vẫn là gia đình. Nhiều gia đình người Ba lan cho rằng dịp lễ này cũng là dịp giãi bày tâm sự với ông bà tổ tiên và là dịp đoàn tụ gia đình. Nhiều nơi còn có thói quen làm tuần cửu nhật (chín ngày) để cầu nguyện cho các linh hồn.      

          Người Ba lan không có bàn thờ tổ tiên trong nhà như người Việt ta, không còn hình thức cúng bái, mâm cổ, vào các ngày giỗ hay ngày Tết, nhưng không hẳn như vậy mà họ thiếu đi tinh thần hiếu thảo đối với ông bà tổ tiên. Việc hiếu thảo của họ thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau như là: xin lễ, tham dự thánh lễ, viếng mộ và cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, những người thân đã ly trần và làm việc lành phúc đức để cứu rỗi các linh hồn.

          Thương nhớ người quá cố, nhất là cha mẹ, anh chị em trong gia đình là chuyện tự nhiên của con người. Ao ước cho người thân mình được "nghỉ yên muôn đời trong nơi mát mẻ hạnh phúc" cũng là tâm lý thông thường. Do đó, việc cầu cho người thân đã qua đời là việc cần thiết, vừa cho linh hồn người chết được cứu thoát khỏi Luyện ngục, vừa cho người sống được tỏ lòng hiếu thảo đền ơn. Những điều trên không những hợp lòng người, mà còn hợp giáo lý trong đạo.

Lễ Các Thánh Nam Nữ 2010
Łukasz Vũ, SVD

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét