Hàng năm cứ vào những ngày cuối năm dương lịch, mọi người trên thế giới đều hướng về lễ Giáng Sinh, lễ này được coi như một sự kiện trọng đại nhất trong lịch sử nhân loại. Và biến cố lịch sử này đã được mọi người mặc nhiên công nhận như một cái mốc thời gian, để tính ngày giờ năm tháng cho tất cả các biến cố lớn nhỏ xảy ra trên thế giới cũng như trong cuộc sống riêng tư mỗi người.
Mừng Chúa Giáng Sinh, tiếng Ba Lan gọi là BOŻE NARODZENIE, lễ này được coi là một đại lễ trong năm và được cử hành vào ngày 25/12 hằng năm. Đối với người Ba Lan, lễ Giáng Sinh chiếm một chỗ đặc biệt trong truyền thống lễ hội của họ. Đặc biệt đêm Vọng giáng sinh, là đêm đẹp nhất, huyền nhiệm nhất trong mọi đêm. Người Ba Lan tổ chức đêm Vọng giáng sinh khá đặc biệt, trong quá khứ cũng như thời hiện tại.
Lễ Giáng Sinh được người Ba Lan chuẩn bị trước cả vài tuần, nhà cửa được tổng vệ sinh, trang hoàng, và mua sắm là điều không thể thiếu. Tất cả các cửa hàng, siêu thị tấp nấp người đến mua sắm. Thiệp giáng sinh được gởi đến cho nhau, cho người thân, họ hàng và bạn bè thân thiết với những lời chúc tốt đẹp nhất. Tất cả như là dấu chỉ để nhớ đến nhau.
Ngày trước đêm Vọng giáng sinh là một ngày không như thường lệ, không giống như mọi đêm khác. Bầu khí khác hẳn, trong bầu khí chờ đợi, đón mừng Con Chúa giáng trần. Vọng giáng sinh, tiếng Ba Lan gọi là WIGILIA, từ này bắt nguồn từ nguyên ngữ la tinh, có nghĩa là canh thức hay là đêm vọng. Đêm mà trước ngày lễ trọng, các tín hữu chuẩn bị bằng việc canh thức, cầu nguyện. Tập tục này bắt nguồn từ thời Giáo Hội sơ khai, đặc biệt là đêm Vọng Phục sinh, Giáng sinh và các tối thứ bảy. Tại Ba Lan, mãi đến thế kỷ thứ XVII Vọng giáng sinh, mới được lưu truyền. Vào đêm này, tất cả các thành viên trong gia đình sum họp nhau. Đây là dịp đặc biệt trong năm, mà mỗi thành viên dù đi làm xa, bận rộn ở chố nào, đều phải trở về gia đình nếu có thể được. Trong bầu khí gia đình, mọi người tụ họp quanh bàn ăn, cùng chúc nhau những điều tốt đẹp nhất, dùng bữa tối với những món ăn truyền thống, rồi hát thánh ca giáng sinh. Ngoài những người thân, họ hàng, người người cô thế, cô thân cũng được mời đến. Vọng giáng sinh cũng được gọi là đêm của gia đình.
CHỖ TRỐNG NƠI BÀN ĂN
Một phong tục khá phổ biến và được biết đến, đó là dành chổ trống nơi bàn ăn trong đêm này. Thật khó để xác định, phong tục này có từ khi nào, những mãi đến hôm nay nó vẫn được giữ một chỗ không thể thiếu trong phong tục ba lan. Chỗ trống này dành cho những vị khách, có thể là những người không mời mà đến. Nhà văn Zbigniew Kossak viết rằng „chỗ trống dành cho bất cứ ai đến nhà vào đêm vọng này, thì coi họ như người anh em”. Dành chỗ trống nơi bàn ăn, cũng là dịp để nhớ đến những người thân không thể mừng lễ chung với nhau, hay là nhớ đến những người quá cố trong gia đình.
CHIA NHAU BÁNH THÁNH
Quan trọng, và cảm động nhất trong giờ phút Vọng giáng sinh là phong tục chia nhau bánh thánh, xin lỗi nhau và chúc những gì tốt đẹp nhất. Lời chúc phổ biến nhất mà ai cũng biết đến đó là: „Wszystkiego najlepszego, hay Wesołych Świąt” nghĩa là chúc mọi điều tốt đẹp nhất, hay mừng lễ vui vẻ. Bánh thánh được các linh mục làm phép trước khi chia nhau, hình thức và nguyên liệu giống như bánh lễ dùng trong nhà thờ. Bánh này cũng được gởi đến những người thân vắng nhà. Tên gọi của nó gọi là „opłatek” nghĩa là trao tặng. Phong tục này bắt nguồn từ những thế kỷ đầu của Kitô giáo, như là cử chỉ nhớ lại Đêm Vượt Qua của Chúa Giêsu. Và cho đến nay, nó vẫn còn giữ tại Ba Lan vào mỗi đêm Vọng giáng sinh. Đối với trẻ em, có lẽ đây là đêm đẹp nhất trong năm, được ăn mặc những bồ đồ đẹp nhất, hòa với không khí huyền ảo và màu sắc.
CÓ BAO NHIÊU MÓN ĂN TRONG ĐÊM NÀY?
Theo truyền thống, các món ăn trong đêm này nên chuẩn bị theo số lẻ. Trong từ điển ngữ học Ba lan, Aleksander Bruckner viết rằng: „đêm vọng giáng sinh nơi thôn quê thông thường chuẩn bị các món ăn theo số lẻ: 5, 7, 9, 11; số 7 tượng trưng cho 7 ngày trong tuần, số 9 tượng trưng cho chín phẩm thiên thần… được phép làm 12 món biểu tượng cho 12 thánh tông đồ”. Số người ăn cũng phải được tính đến, nên là số chẵn, tránh số 13, vì là số không may mắn. Số này nhắc đến Tôma Ít-ca-ri-ốt trong Bữa tối Vượt Qua đã phản bội Chúa. Món khai vị sẽ là món súp nấm, súp cá, súp trái hạnh đào, súp củ cải đỏ. Sau đó là món cá, được chế biến theo nhiều kiểu khác nhau. Vào đêm Vọng giáng sinh, thịt không được dùng đến, vì là đêm chờ Chúa đến, phải ăn chay. Món chính sẽ là món mì ống và…các món tiếp đến.
KOLĘDA
Nói đến lễ Giáng sinh, ta không thể không nhắc đến các bài hát thánh ca giáng sinh. Tiếng Ba lan gọi là Kolęda, từ này có nguồn gốc từ tiếng la tinh „calendae” nghĩa là ngày đầu tiên của mỗi tháng trong niên lịch La mã.
Kolęda có hai nghĩa; nghĩa đầu tiên là bát hát thánh ca giáng sinh; nghĩa thứ hai là viếng thăm mục vụ của linh mục quản xứ, hay linh mục phó xứ đến từng gia đình trong xứ đạo trong suốt mùa giáng sinh. Thật khó mà xác định truyền thống này lần đầu tiên đến Ba Lan từ khi này. Có thể là từ thế kỷ XIII, khi các cha dòng Phanxicô đặt chân đến Ba Lan.
Trong đêm Vọng giáng sinh, người Ba Lan cùng nhau hát những bài thánh ca giáng sinh tại gia đình. Từ lâu phong tục này đã phổ biển trên toàn lãnh thổ Ba Lan. Các bài hát thánh ca giáng sinh cổ nhất, nổi tiếng nhất đã xuất hiện từ thế kỷ XV, phổ biến nhất trong những bài đó là bài „Anioł pasterzom mówił” „thiên thần báo tin cho các mục đồng”. Rồi kế đến các bài nổi tiếng ở thế XVII, XVIII mà đến nay vẫn còn hát đến đó là: „Wśród nocnej ciszy” „giữa đêm thanh vắng”, hay là „Bóg się rodzi” „Chúa sinh ra đời” và các bài kế tiếp sau này. Với các ca từ và làn điệu đem đến cho người tín hữu thêm phần thánh thiện và sống sắt. Thánh ca giáng sinh được mọi người yêu thích, từ người già đến con nít, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, và cho đến nay kolęda vẫn còn giữ một vị trí quan trọng trong đời sống của người Ba Lan . Cũng có thể bắt gặp, nghe được những bài hát thánh ca không chỉ nơi thánh đường, nhà nguyện, gia đình nhưng còn những nơi công cộng qua những buổi hòa nhạc, và trên phương tiện truyền thông.
Thánh ca giáng sinh ba lan, có nội dung đặc biệt về trẻ thơ Hài Đồng Giêsu. Dù là Thiên Chúa, nhưng vì yêu nhân loại, Ngài đã hạ mình, trở nên phàm nhân để cứu độ con người. Người Ba Lan hát thánh ca giáng sinh từ lúc bắt đầu lễ Giáng sinh cho đến ngày mùng 2 tháng 2, lễ Đức Mẹ dâng Chúa Giêsu vào đền thánh.
PASTERKA
Truyền thống phong tục của ngày và đêm Vọng giáng sinh là thời gian dài nhất, được kết thúc với thánh lễ nửa đêm nơi nhà thờ. Mọi tín hữu đổ về các ngôi thánh đường để dự lễ. Thánh lễ nữa đêm tại Ba Lan được coi là đại lễ trong năm. Tiếng Ba lan gọi là Pasterka. Chuông nhà thờ được gióng lên với bài hát Gloria „Vinh danh Thiên Chúa trên trời…”. Lễ nữa đêm đã có từ thời Trung cổ và kéo dài cho đến thời nay. Không chỉ dự lễ nửa đêm, người Ba Lan còn có truyền thống hát thánh ca giáng sinh vào các buổi chiều tại nhà thờ với lòng sùng kính Chúa Hài Đồng Giêsu. Đây là một truyền thống sống động, mà cho đến nay nó vẫn còn giữ được vị trí quan trọng, nơi thôn quê cũng như thành thị.
Kính chúc quí vị mùa giáng sinh
AN LÀNH và THÁNH ĐỨC
trong CHÚA HÀI ĐỒNG GIÊSU!
Giáng sinh 2010
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét