Trang

Thứ Sáu, 22 tháng 4, 2011

LỄ PHỤC SINH TRONG PHONG TỤC VÀ VĂN HÓA BA LAN

Trong đời sống và văn hóa của mỗi dân tộc trên thế giới có nhiều phong  tục, tập quán khác nhau mà dựa vào đó dễ dàng thấy được đặc thù văn hóa của từng dân tộc. Và nếu như dành cho các dân tộc việc lựa chọn những gì tốt đẹp nhất trong mọi phong tục tập quán thì mỗi dân tộc sẽ lựa chọn những phong tục tập quán đặc sắc nhất của chính mình. Đó cũng là điều dễ hiểu là vì mỗi dân tộc đều muốn bao giờ cũng là chính mình.
 Dân tộc Ba Lan cũng thế, dù là đất nước với tỉ lệ gần 90% là công giáo với khoảng 37 triệu dân và chỉ duy nhất một sắc tộc thuần chủng, hầu như chịu ảnh hưởng ngàn năm văn hóa kitô giáo, nhưng vẫn mang những nét văn hóa „rất riêng” của chính mình. Nói đến văn hóa kitô giáo, ta không thể không xét đến một đại lễ quan trọng nhất trong chu kỳ Phụng vụ, đó là Lễ Phục sinh, mà tiếng ba lan gọi là Wielkanoc.
Tại Ba lan, lễ Phục sinh là lễ trọng nhất trong năm, bên cạnh những buổi cử hành nghi thức phụng vụ của Giáo hội, người Ba lan còn có những hình thức phong tục dân gian phong phú, đan xen với lễ này, trong màu sắc truyền thống dân tộc. Như lễ hội của nhà nông có nguồn gốc lâu đời, lễ hội hóa trang, lễ Lá với những cành lá đầy màu sắc, trứng phục sinh được sơn màu sắc rực rở, chiên vượt qua làm bằng bánh, thỏ phục sinh sô-cô-la và điều không thể thiếu đối với họ, đó là những món ăn đặc sản. Các lễ hội này, từ lâu đã đi vào tâm thức khá sâu và cho đến nay vẫn còn chiếm một chổ quan trọng đời sống sinh hoạt tôn giáo của họ.

NIEDZIELA PALMOWA - CHÚA NHẬT LỄ LÁ
  
Tại Ba lan, vào Chúa nhật lễ Lá, hầu như tất cả mọi nhờ thờ đều có nghi thức rước kiệu là để tưởng nhớ lại biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem cách trọng thể và tôn vinh Chúa Giêsu là Vua, rồi việc công bố trọng thể bài thương khó của Chúa Giêsu và sau cùng là Thánh lễ. Loại lá dùng cho việc rước kiệu gọi là Wierzba tạm dịch là cây dương liễu, một loại cây thường mọc dọc các con sông, khi đến mùa xuân là chúng nở nụ, như là dấu hiệu của mùa xuân đã đến. Tín ngưỡng dân gian nói rằng, cây dương liễu có nguồn gốc của sự sống, bởi vì, dù trong những thời tiết khắc nhiệt, những tình huấn xấu nhất, dương liễu vẫn tồn tại và sinh lộc, nở hoa, ngoài ra, nó còn giữ được lâu ngày, nếu đem cho vào bình với ít nước. Wierzba là biểu tượng của mùa xuân phục sinh và sự sống.
          Nhưng ngày nay, phổ biến hơn mà người ta thường dùng nhiều loại lá, đó là loại lá „tự chế”, nghĩa là những nhành cây được trang trí cùng với các loại hoa, và lá với đủ màu sắc, chúng được gọi là Palmy wileńskie. Tại một số vùng, như là Karpat nằm về hướng Đông Ba lan, ở Myślenic, Bochnić và Wieliczki nằm về phía Đông Bắc Ba lan, những nhành lá được chuẩn bị và trang trí rất đẹp mắt với đủ màu sắc, với chiều cao khoảng vào mét, đặc biệt vùng Łysych cao đến vài chục mét. 
Theo truyền thống Giáo hội, biểu tượng của nhành lá thiên tuế là biểu tượng của sự tử đạo, khổ nạn và sự phục sinh của Đức Kitô. Vì vậy mà cuộc rước kiệu hôm nay, mang chiều kích tôn giáo sâu sắc. Mọi người hồi tưởng lại cảnh Chúa Giêsu tiến về Giêrusalem xưa, hoan hô, chào đón, rồi sau đó đóng đinh Ngài vào thập giá.
Tại vùng Tokarni, người ta còn „chế tạo” tượng Chúa Giêsu ngồi trên con lừa, đặt trên xe kéo, diễn lại cảnh Chúa Giêsu tiến về thành Giêrusalem như năm xưa. Từ khi chiến tranh chấm dứt, cứ hai năm phong tục này được tổ chức lại một lần. Lá được linh mục làm phép, trước khi rước kiệu, sau thánh lễ được đem về, nhiều gia đình giữ lại suốt cả năm, đặt ở nơi trang trọng nhất như là vật bảo vệ gia đình trách mọi sự tác hại. Do điều kiện hiện nay, tại các thành phố lớn người ta không còn thời giờ để chuẩn cho mình và gia đình nhành lá nữa, mà họ mua tại các siêu thị lớn, nhỏ. Không chỉ mua lá thôi, nhưng còn các vật dụng trang trí cho mùa lễ Phục sinh, như chú thỏ bằng sô-cô-la, trứng phục sinh sơn đủ màu, chiên vượt qua làm bằng bánh, và dĩ nhiên không thiếu những cánh thiệp Chúc mừng Phục sinh được gửi cho nhau với lời chúc Wesołych Świąt, Alleluja! (Mừng lễ Vui vẻ, Alleluia).
Chúa nhật lễ Lá là một phong tục truyền thống lâu đời của Giáo hội, với những nghi thức long trọng, mà đến nay nó vẫn còn giữ được bản sắc trong văn hóa Ba lan.

WIELKI TYDZIEŃ  -  TUẦN THÁNH

Tuần Thánh Wielki Tydzień và Tam Nhật Thánh Triduum Święta, hay còn gọi Tam Nhật Vượt qua Triduum Paschalne, là những ngày trọng đại trong Năm phụng vụ. Tại Ba lan, về phần đạo các giáo xứ có nhiều việc thực hành, như là tổ chức các buổi tĩnh tâm, cầu nguyện, đi đàng thánh giá, suy ngắm về sự thương khó của Chúa Giêsu, xưng tội, ăn chay hãm mình, canh tân trở lại, sống bác ái và làm việc bố thí. Còn phần đời, người ta chuẩn bị như là; mua sắm, tổng vệ sinh, trang trí nhà cửa, nấu nướng, sơn trứng phục sinh với nhiều màu sắc rực rở và những thứ chuẩn bị khác cho ngày lễ.
Tam Nhật thánh, bắt đầu từ Thánh Lễ Tiệc ly vào chiều thứ Năm Tuần thánh Wielki Czwartek, tiếp theo là thứ Sáu Tuần thánh Wielki Piątek, thứ Bảy Tuần thánh Wielka Sobota và Chúa Nhật Phục sinh Wielka Niedziela với những lễ nghi đặc biệt đã có từ lâu đời trong truyền thống phụng vụ của Giáo hội. Theo phong tục xưa, vào thứ Tư Tuần Thánh Wielka Środa, hoặc Thứ Năm Tuần Thánh hay thứ Sáu Tuần Thánh, người Ba lan có hình thức treo hình nộm Giuđa, đem đốt rồi ném xuống sông. Tại các vùng quê, người ta không đốt hình nộm Giuđa, mà treo trên cây cao, hướng về hướng đông, để khi mặt trời lên mọi người dễ dàng nhìn thấy, cho đến hết kỳ lễ. Hình nộm giuđa được treo trên cây cao với túi tiền và kèm theo cái chai, như nhắc lại việc Giuđa Ít-ca-ri-ốt tội phản bội, bán Chúa rồi kết liễu đời mình.
Wielki Czwartek - Thứ Năm Tuần Thánh
          Ngày thứ nhất trong Ba Ngày Thánh đó là Thứ Năm Tuần Thánh Wielki Czwartek. Trong thánh lễ Tiệc ly, Giáo Hội cử hành nghi thức rửa chân, thánh lễ tưởng niệm việc Chúa Kitô lập phép Thánh Thể và chức linh mục, cũng như ban bố giới luật mới tức là giới luật yêu thương. Sau cùng có việc kiệu Thánh Thể và chầu Thánh Thể tại nhà nguyện nhỏ cho tới nửa đêm.
Wielki Piątek - Thứ Sáu Tuần Thánh

Trong Lễ nghi hôm nay Giáo Hội tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa Kitô, Chiên Thiên Chúa hiến tế trên thập giá vì nhân loại, qua việc đọc Lời Chúa và tôn vinh thánh giá. Tại Ba lan, ngày thứ Sáu Tuần Thánh, có nhiều hình thức đi đàng thánh giá và việc ăn chay. Nổi tiếng nhất là đi đàng thánh giá tại đồi Kalwarie nằm ở Kraków. Kalwarie - nghĩa là quần thể kiến trúc được xây dựng trên một ngọn núi, gồm có đền thờ, các nhà nguyện và các chặng đàng thánh giá. Kiến trúc này „nhái lại” những cảnh vật của Giêrusalem. Tại đây, người ta thường tổ chức tại đây buổi đi đàng thánh giá, với những nhân vật hóa trang lại cảnh Chúa Giêsu năm xưa vác thánh giá lên đồi Can-vê-ri-ô. Không chỉ tại Kalwarie ở Kraków mà còn những nơi khác cũng làm như thế, như tại núi thánh Anna, Krzeszowicka, và tại Poznań có buổi đi đàng thánh giá rất trọng thể.

Grób Boży - Mộ Chúa 
Cho đến nay, phong tục làm „mộ giả” vẫn còn tại Ba lan, tất cả mọi nhà thờ dù lớn, dù bé, đều làm Mộ Chúa. Người ta trang hoàng trong rất đẹp mắt, tượng „Chúa Giêsu chết” nằm ở giữa, phía trên là Mình Thánh Chúa được đặt lên trên Mộ Chúa, xung quanh là hoa, đèn, nến. Tại các giáo xứ lớn, người ta thậm chí còn hóa trang những người lính canh mộ. Từ lúc kết thúc phụng vụ đêm thứ Sáu Tuần Thánh, cho đến đêm thứ bảy Vọng Phục sinh, các tín hữu chia phiên nhau đến nhà thờ để tôn kính Thánh Thể và viếng Mộ Chúa. „Việc làm Mộ Chúa mang nhiều chiều kích tôn giáo, và là hình thức gợi hứng có từ sách Thánh” như lời nhận xét của linh mục Jędrzej Kitowicz.

Pisanki
          Ngày thứ Sáu Tuần Thánh được coi là ngày phải chuẩn bị xong mọi thứ cần cho ngày lễ, trễ nhất là đến chiều thứ Bảy Tuần Thánh. Người ta nấu trứng gà và sơn màu sắc sặc sở với những ý nghiã đẹp: màu đỏ tượng trưng cho may mắn, màu xanh cho hy vọng, trẻ trung vô tội, màu vàng cho sự khôn ngoan, màu trắng cho thanh bạch màu cam cho sức mạnh ... Tại Ba lan, từ lâu nổi tiếng với những kỷ thuật và phương pháp sơn trứng hiện đại. Người ta quan niệm rằng trứng không chỉ là thức ăn cần dùng, nhưng còn là biểu tượng cho sự khởi nguyên của sự sống, sức mạnh, tình yêu và truyền sinh.

Wielka Sobota thư Bảy Tuần Thánh

Święcenie pokarmów Làm phép thức ăn
          Phong tục làm phép thức ăn vào sáng thứ Bảy Tuần Thánh đã được lưu truyền vào Ba lan từ thế kỷ XIV, ban đầu chỉ có „chiên vượt qua” và bánh mì, càng về sau người ta thêm vào những thứ khác như là; bơ, thịt, trứng, cá, dầu ăn, bánh, rượu và các loại khác. Theo truyền thống dân gian, những biểu tượng này là sản phẩm lao công của con người dâng lên Chúa để Ngài chúc phúc. Thức ăn được cho vào giỏ đan mây, trang trí sao cho đẹp mắt, đem đến nhà thờ để linh mục làm phép. Tối thiểu nhất trong những thức ấy phải có là; bánh mì chleb, thịt mà người Ba lan gọi là kiębasa, trứng jajko, củ cải trắng có vị cay gọi là chrzan và muối sól.

Wielka Niedziela - Chúa Nhật Phục sinh
Wielkanoc Phục sinh, Święto Zmartwychstania Pánskiego Lễ Chúa Sống lại.
Sau nghi thức phụng vụ đêm Vọng phục sinh kết thúc, có cuộc rước kiệu  „tượng Chúa Phục sinh” mừng Chúa sống lại, giáo dân vừa đi kiệu, vừa hát bài „hoan ca phục sinh”. Đến sáng hôm sau, nghĩa là Chúa Nhật Phục Sinh, ngày thứ nhất trong tuần, người dân Ba lan, có bữa ăn sáng chung với nhau, gọi là bữa ăn gia đình, phải mất nhiều giờ ngồi với nhau, vừa ăn vừa nói chuyện, bữa ăn được chuẩn khá thịnh soạn, với các món ăn ngoan nhất.

Poniedziałek Wielkanocny Ngày thứ hai Phục sinh
Ngày thứ hai đầu tuần trong tuần Bát nhật  Phục sinh, còn đựợc gọi là „ngày thứ hai của ngày lễ” người dân còn được nghỉ lễ, và là ngày thăm viếng nhau, vui chơi, giải trí. Phổ biến nhất trong ngày này là phong tục „té nước” śmigus-dyngus, nghĩa là các thanh nam thiếu nữ, tạc nước lên nhau. Tại Kraków, còn đặt tên cho ngày này là Emaus, tên này được lấy lại từ trong Tin mừng thánh Luca.
Trên đây là một vài lễ hội, mang bản sắc văn hóa „Ba lan” trong mùa Lễ Phục sinh. Với vài dòng ngắn ngủi góp phần tìm hiểu văn hóa xứ người, đáng thay.

Kính chúc quý vị tràn đầy ơn Chúa Phục Sinh, ALLELUIA!

Łukasz Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét